VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC GỬI TRO CỐT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT LÊN CHÙA Ở VIỆT NAM.

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC GỬI TRO CỐT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT LÊN CHÙA Ở VIỆT NAM.

Nguyễn Văn Ấn – Hội kiều học
A/ Các hình thức mai táng trên thế giới.

Từ xa xưa người ta quan niệm rằng mỗi con người đều có 2 phần:  phần hồn và phần xác. Khi người ta chết, chỉ còn lại phần xác, còn phần hồn sẽ lìa khỏi xác bay lơ lửng trong không trung để tìm một bến đỗ mới (sự đầu thai kiếp khác), còn phần xác được mai táng. Từ xưa đến nay trên  thế giới có nhiều hình thức mai táng đó là:
1/ Địa táng (còn gọi là thổ táng)

Người ta chôn quan tài chứa xác người chết bên trong xuống đất. Có hai cách thức địa táng : Một là Chôn vĩnh viễn; hai là chôn sau một thời gian, lại đào lên lấy xương  cho vào tiểu rồi lại chôn xuống đất.
2/ Thủy táng:

Người ta dìm xác xuống sông, suối, hồ….. để nước phân hủy. Tuy nhiên ngày nay cách mai táng này không còn nữa vì ảnh hưởng xấu đến môi trường.
3/ Hỏa táng, còn gọi là Hỏa thiêu :

Người ta đốt xác người chết bằng củi , hoặc bằng điện (điện táng). Sau đó lấy tro cốt chứa vào một chiếc bình đưa lên bàn thờ. Hiện nay ở Việt Nam có 2 hình thức điện táng. Đó là điện táng lấy tro cốt (điện táng hoàn toàn) và điện táng lấy xương, sau đó xếp xương vào tiểu rồi lại đem chôn xuống đất (điện thổ táng). Cũng có những gia đình điện táng lấy tro cốt rồi đem rải xuống sông (điện thủy táng).
4/ Thiên táng:

Người ta treo quan tài người chết lên vách NÚI đá hoặc trên các cành cây trên rừng sâu để xác phân hủy theo thời gian.
5/ Điểu táng:

Người ta đưa xác chết lên đồi núi để chim muông, chủ yếu là chim kền kền ăn thịt. Đây là cách mai táng của người Tây Tạng.
6/ Thiền táng:

Còn gọi là tượng táng: Rất hiếm gặp. Tượng táng đã từng xuất hiện ở Việt Nam, Trung quốc và một vài quốc gia khác. Hiện nay ở Việt Nam có 2 bức tượng táng vẫn còn tồn tại, đó là thi hài 2 nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, thuộc huyên Thường Tín, Hà Nội.
7/ Thực táng:

Đó là hình thức mai táng rung rợn nhất: bằng cách ăn thịt người chết. Thực táng từng tồn tại ở Papua New Guinea và Brazil. Gia đình người quá cố sẽ tập trung quanh xác chết dùng lửa và các dụng cụ để làm chin thịt và ăn. Tập tục này cũng xuất hiện ở những quốc gia sống chủ yếu trong rừng rậm.(1).
(theo báo Dân Trí điện tử ngày 24/8/2016).

Tuy nhiên ở Việt Nam, từ xưa đến nay phổ biến là  Địa táng bằng cách chôn xác chết xuống đất, sau một thời gian (thường là 3 năm), đào lên lấy xương cho vào tiểu rồi lại chôn xuống đất. Cách mai táng này vừa tốn đất nghĩa trang lại mất vệ sinh khi phải đào để lên lấy xương.

Với tầm nhìn xa, từ những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã cử nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 (tương đương PTTH ngày nay) sang Liên Xô học khoa Hỏa táng bằng điện (Điện táng). Tuy nhiên do điều kiện chiến tranh nên mãi đến năm 1992, mới khởi công xây dựng hai Lò Điện táng đầu tiên ở nghĩa trang Văn Điển Hà Nội. Đến năm 1996, khánh thành đưa vào sử dụng, mang tên là Đài Hóa Thân Văn Điển.

Đến nay trong cả nước có nhiều lò Điện táng rải rác khắp ba miền Bẵc Trung Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa phương có nhiều lò nhất. Ngoài ra nhiều tỉnh thành cũng đã có lò đốt xác chủ yếu là bán phần ( lấy xương) kết hợp với nghĩa trang.
B/ Việc xử lý tro cốt của người đã khuất.
1/ Triết lý đạo Phật với hài cốt người đã khuất.

Nhà Phật quan niệm rằng đối với con người phần Hồn là bất diệt. Khi người chết phần hồn lìa khỏi xác và sẽ được đầu thai vào kiếp khác ở một con người cụ thể nào đó, còn phần xác sẽ trở về với cát bụi.

Vì vậy nhà Phật không quá coi trọng về xác của người đã khuất, mai táng kiểu nào cũng được, miễn là không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng là được.
2/ Việc gửi tro cốt người đã khuất lên chùa ở Việt nam xuất hiện từ bao giờ ?

Như trên đã nói, hình thức mai táng truyền thống từ lâu đời của người Việt Nam chủ yếu là địa táng. Đến những năm 80 của thế kỷ 20 ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những lò đốt xác và đến những năm cuối thập kỷ 90, sau  khi khánh thành 2 lò điện táng ở Văn Điển (Hà Nội) thì hình thức hỏa táng mới xuất hiện ở miền Bắc và dần dần trở thành trào lưu.

Hiện nay có 2  hình thức hỏa táng: Hỏa táng toàn phần (thành tro) và hỏa táng bán phần (lấy xương).
+ Nếu hỏa táng lấy xương thì gia đình lấy xương chôn vào nghĩa trang như trường hợp cải táng của những xác địa táng.
+ Nếu hỏa táng lấy tro thì người thân có thể:

– Gửi bình tro cốt ở nhà Đài Hóa Thân.
– Đưa bình tro cốt lên bàn thờ tại tư gia.
– Gửi bình tro cốt vào nhà Chùa.

Việc gửi tro cốt vào nhà chùa là hoàn toàn tự phát theo ý nguyện của người đã khuất hoặc thân nhân. Hội phật giáo Việt nam và các nhà chùa không hề có một chủ chương hay một quy định nào về vấn đề này.

Nhưng tại sao nhiều gia đình lại muốn gửi tro cốt lên chùa ?
Thứ nhất: Hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, các đài hóa thân rất xa khu dân cư, nên việc đi lại thăm viếng trong các dịp giỗ Tết…rất khó khăn.
Thứ hai: Hiện nay điều kiện nơi ăn chốn ở của nhiều gia đình, nhất là ở các thành phố lớn, rất chật chội, bàn thờ tại tư gia không đủ không gian đặt bình tro cốt. Hơn nữa, người ta quan niệm rằng để tro cốt tại tư gia sẽ làm cho Âm Khí nặng nề trong không gian sống của con cháu là điều bất lợi.
Thứ 3: Khi được gửi tro cốt lên chùa, thân nhân của người đã khuất hy vọng rằng linh hồn người chết quanh năm suốt tháng được nghe tăng ni phật tử tụng kinh niệm phật sẽ dễ dàng được siêu thoát.
Thứ 4: Mỗi dịp thăm viếng trong các dịp giỗ ,Tết…các thế hệ con cháu người chết sẽ có dịp vãn cảnh chùa và nghe các tăng ni phật tử thuyết giảng ít nhiều về đạo Phật, giúp cho tâm hồn các thế hệ con cháu được mở rộng trong sáng hơn.
C/ Những thách thức đặt ra.
1/ Hiện nay dư luận về việc gửi tro cốt lên chùa có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau trong xã hội, người tán thành, kẻ phản đối…
Đến thời điểm này, trong cả nước có khoảng 18.000 ngôi chùa, trong đó có 90% số chùa nhận gửi tro cốt hoặc di ảnh của người chết.(2) (Theo báo Gia đình và Xã hội điện tử ngày 12/9/2020).

Trong hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam không có quy định nào hay chỉ đạo nào về việc gửi tro cốt lên chùa. Việc gửi và nhận tro cốt ở các chùa hoàn toàn theo tính lễ nghi và thỏa thuận giữa các chùa và người gửi. Nhiều chùa đã quản lý tro cốt theo phương pháp hiện đại nhất và thực hiện cách quản lý theo công nghệ của thời 4.0 như chùa Long Hưng ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh Hà Nội. Tro cốt gửi ở đây được bảo quản rất tốt trong các ngăn tủ nhiều ô, tầng rất đẹp, với hồ sơ tên tuổi người chết, đồng thời có sổ sách ghi chép đầy đủ rõ ràng rất dễ tra cứu, rất thuận lợi cho việc thăm viếng của thân nhân.

Tuy nhiên cũng có chùa, việc bảo quản tro cốt còn có những sơ xuất, chưa thật cẩn thận chu đáo đã tạo nên những bức xúc cho người gửi như đã từng xảy ra ở chùa Kỳ Quang 2 tháng 9 năm 2020. ( Hiện nay chùa Kỳ Quang 2 đã phải dừng nhận tro cốt-Tác giả đã trao đổi tực tiếp của nhà chùa qua số ĐT: 090 3005442)

2/ Về mức phí gửi tro cốt ở các chùa:

Từ lúc khởi nguồn cho đến ngày nay, việc gửi tro cốt là hoàn toàn tự nguyện của các gia đình với sự thỏa thuận của các chùa. Giáo hội Phật Giáo Việt nam cũng như các cấp chính quyền còn bỏ ngỏ vấn đề mức phí, nên mức phí hiện đang được thả nổi. Có chùa mức phí dăm ba triệu, có chùa hàng trăm triệu, có chùa tùy tâm người gửi.
Dưới đây là mức phí của một số chùa theo từng thời gian:
– Chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu nhận tro cốt từ năm 1983 với bảo tháp 4 tầng là nơi an nghỉ vĩnh viễn của 20 nghìn người đã khuất. Mức giá năm 2010 là 15 triệu VNĐ/ô chứa bình tro cốt.
Mức giá năm 2023 là 30 triệu VNĐ/ô chứa bình tro cốt và 15 triệuVNĐ/ vị trí ảnh.
– Chùa Phước Viên, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh nhận Thạch cốt ép và ảnh thờ pha lê từ 2010. Hiện có 200 thạch cốt ép và 800 ảnh thờ. Giá gửi ảnh thạch cốt là 5 triệu VNĐ/ảnh, gửi ảnh thờ pha lê là 1 triệu VNĐ/ ảnh,
– Chùa Kỳ Quang 2, ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, giá một ô chứa bình tro cốt năm 1999 tương đương 6,5 cây vàng 9999.(Hiện nay tạm dừng việc nhân tro cốt).
3/Vấn đề quá tải:

Trong tương lai liệu nhà chùa có đủ chỗ nhận tro côt hay không ?
Dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người. Hình thức hỏa táng đã và đang thành trào lưu trong xã hội Việt Nam, chắc chắn đó sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Liệu nhà chùa có đủ điều kiện để đáp ứng được nhu cầu gửi tro cốt của xã hội hay không? Chắc chắn là không, vì khuôn viên của nhà chùa có hạn, mà số người chết ngày càng nhiều. Quá tải là điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với các nhà chùa. Không những thế, khi nhà chùa nhận quá nhiều tro cốt, vô tình đã biến nhà chùa-nơi tu hành của các tang ni phật tử thành nửa chùa nửa nhà mồ, sẽ làm mất đi sự linh thiêng nơi cửa phật.

Chùa Phúc Khánh ở phố Tây Sơn Hà Nội, trước đây chỉ nhận Linh (Bát hương), nhưng sau một thời gian cơ sở xập xệ, nhà chùa không còn chỗ để nhận Linh. Do đó nhà chù đã ngừng việc nhận Linh khoảng chục năm nay.
Vì quá tải nên tháng 9/2020, chùa Kỳ Quang 2 ở thành phố Hồ Chí Minh đã hết chỗ chứa tro cốt, nên nhà chùa đã tiến hành tháo dỡ nhà chứa hài cốt cũ, xây nhà chứa hài cốt mới. Trong thời gian thi công, nhà chùa đã xếp các bình tro cốt và các di ảnh rất lộn xộn trong nhà kho làm mất tính thiêng liêng nơi thờ phụng, thậm chí có trường hợp thất lạc di ảnh và tro cốt khiến nhiều người bức xúc và đã từng  xảy ra khiếu  kiện.
D/ Kết luận:

Hiện tại hình thức hỏa táng đã và đang thành trào lưu trong xã hội Việt Nam, chắc chắn rằng đó sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Đến một lúc nào đó nhà chùa sẽ không đủ khả năng nhận tro cốt của người đã khuất.
Nên chăng, nhất là ở các thành phố lớn, nhà nước có thể dành quỹ đất để xây dựng những chung cư cao tầng cho người đã khuất như Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan…đã làm. Họ xây dựng những tòa nhà cao tầng, chứa được hàng chục vạn bình tro cốt…

Đồng thời các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong các nhà trường cần tuyên truyền cho người dân cách điện thủy táng,nghĩa là sau khi điện táng thì rải tro cốt trên sông sâu biển rộng hay rừng rậm núi cao, thực hiện lời kêu gọi của Mẹ  Thiên Nhiên “Con Người sinh ra từ Cát Bụi hãy trở về với Cát Bụi”.

Nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới đã thực hiện lời kêu gọi ấy của Mẹ Thiên Nhiên, như các cựu Thủ tướng của Ấn Độ, Nê-ru, Inria Găng-đi…sau khi về cõi vĩnh hằng tro cốt đã được rải trên sông Hằng theo phong tục truyền thống từ ngàn năm của đất nước đã sinh ra Đức Phật Thích ca mô ni.

Cố  thủ tướng nước CHND Trung hoa, Chu Ân Lai, sau khi qua đời, tro cốt của ông cũng đã được rải từ trên máy bay xuống các ngọn đồi và  thung lũng, theo ý nguyện của ông lúc sinh thời.
Trong di chúc của Bác Hồ, Người cũng có nguyện vọng rằng:
“Sau khi tôi đã qua đời,chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.