THỜ CÚNG TỔ TIÊN – MỘT CÁCH NHÌN
Lê Thị Chiêng – Đại học Văn hóa Hà Nội
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thờ cúng Tổ tiên là văn hóa tín ngưỡng của cư dân ở nhiều nơi trên thế giới, phổ biến là các nước Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nét văn hóa này xuất hiện từ xa xưa và trở thành truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Mỗi gia đình đều có một ban thờ gia tiên (Tổ tiên), dù gia đình đó mới hình thành chỉ có một hai thế hệ cho đến gia đình lớn có nhiều thế hệ. Từ đâu sinh ra tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên? Thờ cúng Tổ tiên được thực hiện dưới hình thức nào? Nó có ý nghĩa và tác động gì trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, nói riêng và toàn dòng họ? Bản chất của nó là hiện tượng văn hóa hay tâm linh?
1.Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Nguồn gốc của hiện tượng tín ngưỡng nào đều là nhận thức. Đối tượng nhận thức của tín ngưỡng luôn là những hiện tượng huyền bí khó lý giải, khó kiểm chứng. Nhận thức hoàn toàn qua cảm giác, tưởng tượng, suy diễn cảm nhận rồi kết luận. Nhận thức cảm tính dẫn đến niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên huyền bí coi đó là linh thiêng, gắn tính linh cho các đối tượng không nhận thức được bằng bằng lý tính.
Cũng như nhiều dân tộc khác, xuất phát từ nhận thức vạn vật có tính linh (vạn vật hữu linh) – nguồn sống thiêng liêng bất diệt, vô hình, người Việt Nam quan niệm từ giới tự nhiên xung quanh mình đến con người đều có linh hồn kết hợp với thể xác. Và khi con người chết đi, linh hồn vẫn tồn tại. Vì thế, loại thần cổ sơ nhất được người ta sùng bái là các nhiên thần (như mưa, gió, sấm, chớp), như thần cây, thần núi, thần sông thần đồng, thần biển…Bước chuyển tiếp từ thờ thần tự nhiên sang thờ thần/linh hồn người là sự “nhân hóa” thần. Từ đây hình thành quan niệm về khái niệm linh hồn Tổ tiên. Đây là nền tảng cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Trong quan niệm của nhiều tộc người Việt Nam, thể xác và linh hồn vừa gắn bó, vừa tách biệt. Linh hồn luôn gắn với thân xác khi con người đang sống, gọi là linh hồn cõi dương trần, và tách biệt khi chết, thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần linh hồn vẫn tồn tại chuyển sang sống ở một “thế giới khác” là cõi âm. Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu tương đương như cuộc sống trần thế dương gian. Và cũng cho rằng, nếu người chết không được hậu thế cúng tế đầy đủ, cung cấp lễ vật đầy đủ sẽ trở thành “ma đói”, lang thang, quấy nhiễu người sống.
Thờ cúng Tổ tiên, nói một cách chính xác là thờ linh hồn Tổ tiên. Nhưng linh hồn là gì? Có thực tồn tại không và tồn tại như thế nào? Thờ cúng linh hồn tổ tiên nhằm mục đích gì?
Trước hết, nói về linh hồn, đây là một vấn đề đã được đặt ra, được các triết gia từ thời Cổ đại quan tâm, đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Quan niệm về linh hồn cũng thay đổi theo gian tùy thuộc trình độ nhận thức của con người ở mỗi thời kỳ. Tuy nhiên cho đến nay chưa có được sự đồng thuận bằng một định nghĩa súc tích, đủ sức thuyết phục để có thể nêu ở đây.
Từ góc độ khoa học, ở phương Tây, từ thời cổ đại vấn đề “linh hồn” đã được đề cập. Đặc biệt từ khi nền văn minh cổ Hy Lạp tiếp xúc với văn hóa phương Đông, điển hình là bắt gặp Saman giáo(Chamanisme). Đặc trưng của Saman giáo là giao tiếp với thần linh và linh hồn người đã chết. Các cuộc giao tiếp với linh hồn người chết đem đến cho các nhà tư tưởng như Pythagore, Empédocle một cái nhìn mới về linh hồn: từ phủ nhận đến nghi vấn: thực sự linh hồn còn tồn tại sau khi con người chết đi không? Từ đây họ đi sâu nghiên cứu linh hồn và đưa ra những khái luận về chúng (linh hồn). Nhưng từ thờ Cổ đại, đến thời kỳ Ánh Sáng, và cho đến giờ khoa học thực chứng đã tiến rất xa từ nghiên cứu vi mô (hạt cơ bản) đến vĩ mô (các hành tinh), giải thích các hiện tượng tự nhiên, chinh phục thiên nhiên…vẫn chưa thể biết rõ về linh hồn, nó còn lại hay không còn sau khi con người chết đi.
Các tôn giáo lớn cũng có quan niệm khác nhau về linh hồn. Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo đều cho rằng linh hồn là bất diệt, do Thượng đế ban cho mỗi người như là sự sống. Ấn giáo, Kỳ Na giáo cho rằng, linh hồn (tiểu ngã) là bất diệt có nguồn gốc từ Đại Ngã (phạm Thiên). Đức Phật chỉ ra con người là sự giả hợp của ngũ uẩn. Năm uẩn là năm yếu tố hay năm nhóm kết hợp lại tạo thành con người; nói cách khác, con người là một hợp thể của năm yếu tố, gồm có: Sắc uẩn (Rùpa) là yếu tố sinh lý-vật lý; Thọ uẩn (Vedanà) là yếu tố cảm giác; Tưởng uẩn (Sãnnã) là yếu tố tri giác, là sự nhận biết đối tượng giác quan hay tâm lý; Hành uẩn (Sankhàra) là yếu tố tâm lý hoạt động ngoài Thọ và Tưởng là những tâm lý tạo động lực đi tới tạo nghiệp và kết quả của nghiệp như ước muốn, quyết định… thuộc ý chí còn gọi là Tư; Thức uẩn (Vinãna) là yếu tố nhận thức, phát hiện sự có mặt của đối tượng, gồm có sáu thức. Thức làm nền tảng cho Thọ, Tưởng và Hành. Khi chết rồi, 5 yếu tố không còn như nó vốn là khi con người sống. Như vậy, Đức Phật không thừa nhận sau khi chết con người vẫn còn nguyên vẹn thứ được gọi là linh hồn như khi người đó còn sống. Từ những quan niệm, lý giải trên đây có thể thấy: sau khi chết dù linh hồn có còn hay không thì hoặc là còn, nó trở về nơi từ đó ra đi như nước Chúa (Ki Tô, Do Thái, Hồi), Đại Ngã (Ấn giáo và Kỳ Na giáo), hoặc cũng không phải linh hồn khi gắn với thể xác. Cơ bản có thể nói, không có sự thừa nhận còn lại linh hồn sau khi chết.
Linh hồn không chắc tồn tại thì linh hồn Tổ tiên không phải là gốc của tín ngưỡng này. Theo đây, thờ cúng Tổ tiên hẳn xuất phát từ sự thương tiếc, không muốn rời xa người mình yêu thương quí mến. Từ đó mà dần hình thành quan niệm người chết nhưng không mất hoàn toàn, mà vẫn còn thông qua nghi thức thờ cúng. Như thế, việc thờ cúng tại nhà được xem như người quá cố vẫn thường tại cùng người sống. Cũng từ đây, việc thờ cúng cũng được coi là người sống vẫn đang phụng/nuôi dưỡng người quá cố. Và như vậy thờ cúng Tổ tiên là cách tri ân và báo hiếu thiết thực. Ngoài ra, thờ cúng Tổ tiên, người sống còn mong được phù hộ, kiểu “âm phù dương trợ” cho đời sống của họ được thuận lợi và tốt hơn.
- Hình thức thờ cúng Tổ tiên
Ở Việt Nam về cơ bản có hai hình thức thờ cúng Tổ tiên: một là thờ tại nhà (bao gồm: thờ Tổ họ, thờ Tổ chi, thờ Ông Bà, Cha Mẹ); hai là thờ tại mộ phần. Về diện mạo việc thờ cúng Tổ tiên của cả hai hình thức luôn có sự thay đổi theo thời gian và phụ thuộc điều kiện kinh tế. Điều này thể hiện rất rõ ở những nghĩa trang và trong các nhà thờ họ, các gia đình.
Đầu tiên nói đến hình thức thờ tại nhà – nhà thờ họ. Trước thời kỳ đổi mới hầu như nhà thờ họ ít được quan tâm. Một phần do kinh tế không phát triển, đời sống khó khăn, sự quan tâm của mọi người đều ưu tiên cho mưu sinh. Phần khác, do tác động của công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, thờ cúng bị xem như hành động mê tín dị đoan. Tuy nhiên chỉ sau thời kỳ đổi mới, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Có thể khẳng định rằng, trong vài bốn chục năm trở lại đây hiện tượng tu sửa nhà thờ (họ và chi) xuất hiện ngày càng phổ biến và nhanh chóng phát triển trở thành phong trào trong phạm vi cả nước với tốc độ chóng mặt. Thật đúng tinh thần câu châm ngôn “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một cách khá phổ biến ở những vùng nông thôn các họ đua nhau sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, xây mới nhà thờ. Đặc biệt, dòng họ nào có nhiều người tha hương làm ăn phát đạt mang tiền về tri ân Tổ tiên thì nhà thờ liên tục nâng cấp, thậm chí đập đi xây mới. Có không ít trường hợp những họ trước đây chưa từng có nhà thờ thì cũng mua đất xây dựng.
Nghi thức thờ cúng Tổ tiên chỉ được tổ chức vào ngày giỗ. Song cũng giống như số phận nhà thờ, trước đây giỗ họ vẫn có nhưng với qui mô toàn bộ trai đinh trong họ thì gần như không được tổ chức. Thế nhưng ngày nay, giỗ họ được tổ chức hàng năm với sự tham gia không chỉ trai đinh mà cả gái và dâu họ. Thực tế này cho thấy, trong vòng nửa thế kỷ nay việc thờ cúng Tổ tiên ở qui mô họ có sự thay đổi khá lớn. Qui mô thờ Tổ tiên nhỏ hơn thờ Tổ họ là thờ Tổ chi. Thờ Tổ chi thường đặt ở gia đình trưởng chi mà không có nhà thờ riêng. Qui mô nhỏ nhất là thờ gia tiên tại từng gia đình. Nét phổ biến ở cấp độ này là thờ cụ bốn đời trở xuống gồm: cụ, ông/ bà, tiếp nữa là cha/mẹ.
Hình thức thờ cúng thứ hai là mộ phần. Mộ phần là nơi chôn giữ hài cốt. Trước đây do hoàn cảnh nghèo khó nên tuyệt đại đa số đều là mộ đất. Rất hiếm khi có mộ xây gạch. Thậm chí mộ Tổ họ cũng là mộ đất chỉ khác là phần đất rộng và được đắp to hơn. Mộ xây chỉ có ở nhà giàu hoặc quan lớn hàng tri huyện trở lên. Quan hàng tổng xã không phải nhà nào cũng có khả năng xây mộ lớn. Việc xem phong thủy để chọn đất xây mộ gần như không phổ biến. Nếu có thì cũng chỉ ở những nhà giàu và quan lớn. Dân thường không biết đến phong thủy.
Ngày nay do tính ưu việt của chế độ: tự do bình đẳng, giàu có hơn rất nhiều nên mộ phần được quan tâm đặc biệt theo tinh thần: “sống vì mồ vì mà, không sống vì cả (lớn) nồi cơm”. Nhiều người biết về phong thủy do sách được dịch ra chữ Quốc ngữ rồi phổ biến rộng rãi. Đáp ứng nhu cầu phong thủy của người dân, nhiều nhà phong thủy xuất hiện. Ngoài nghĩa trang, nhà nhà đua nhau xây mộ, nhà sau xây to hơn nhà trước. Đủ các hướng theo phong thủy, đủ các kiểu theo thiết kế. Phần trang trí mộ cũng thay đổi. Nếu trước đây chỉ lăng vua mới được đắp rồng thì giờ đây rồng được dùng trang trí khắp mọi nơi: từ nhà thờ họ, gia đình, mộ phần ngoài nghĩa trang. Phải nói nghĩa trang ngày nay như thành phố thu nhỏ.
Đã có thờ ắt phải kéo theo cúng lễ. Về cơ bản nghi thức cúng lễ thường được tổ chức vào dịp giỗ (ngày chết, tính theo lịch âm). Ngoài ra, nhân bất kỳ sự kiện nào như cưới, hỏi, ma chay, tuần tiết, làm nhà (đào móng, đổ mái, cất nóc, khánh thành) mở xưởng, vào mùa, ra mùa, cơm mới, con thi, thăng quan, sinh con, đầy cữ… đều có nghi thức lễ cúng Tổ tiên. Cúng lễ nơi mộ phần diễn ra vào dịp giỗ và hai dịp nữa là Thanh minh (mặc dù Thanh minh là tục của Trung Quốc) vào tháng Ba, chạp (tảo) mộ vào dịp cuối năm. Ngày xưa chỉ có một dịp là chạp mộ vào tháng chạp, việc thực hành nghi thức thăm mộ dịp Thanh minh mới phổ biến gần đây. Tuy nhiên, nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn không có lệ thăm mộ dịp thanh minh. Thực tế thờ cúng Tổ tiên hiện nay cũng lại rất đúng với châm ngôn “phú quí sinh lễ nghĩa”.
Hình thức thờ cúng sau cùng mới xuất hiện gần đây khá phổ biến là “gửi vong lên chùa”. Nếu như trước đây nghi thức này chỉ dành cho những ai không có người cúng giỗ thì gửi lên chùa theo quan niệm “ ăn mày cửa Phật” để không bị vất vưởng lang thang thì ngày nay rất nhiều người dù đông con nhiều cháu vẫn cứ được đưa lên chùa với tinh thần mới là nương cửa phật để tu học Phật, bất chấp người đó có tin, có thích tu Phật hay không. Có một điều không thể không thắc mắc là, nếu thật còn linh hồn như linh hồn lúc sống thì không biết họ thường trú ở đâu hay cả ba nơi: nhà, mộ, chùa đều là tạm trú?!
Thờ cúng Tổ tiên trên mọi nghi thức Tổ tiên là thờ Quốc tổ Vua Hùng. Đây là nghi thức riêng có của Việt Nam. Hiện nay trên phạm vi cả nước có 1417 nơi thờ, riêng tỉnh Phú Thọ, nơi được xem là đất Tổ có 326 đền thờ. Có thể nói, mật độ đền thờ ở đất Tổ dày đặc trải rộng gần khắp các làng xã. Trước kia ngày giỗ Tổ hàng năm được được giao cho địa phương sở tại tổ chức vào ngày không ấn định trong mùa Thu. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), ngày 10 tháng 3 âm lịch chính thức là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được hợp thức hóa bằng luật pháp. Như vậy, thờ cúng Quốc tổ đã có từ lâu nhưng ngày Quốc giỗ cũng chỉ mới xuất hiện gần đây.
Sự kính trọng gắn liền với những nghi lễ thờ cúng mang đậm tính nhân văn tạo nhiều nét văn hóa đẹp. Chủ yếu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, những vị anh hùng dân tộc, những người khai sáng đất nước…Các hình thức này cho đến nay vẫn rất phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp Đông Nam Á.
- Đôi điều rút ra
- Linh hồn
Vấn đề linh hồn còn hay không sau khi tách rời cơ thể được nói đến từ xưa tới nay đều chưa có sự khẳng định, rõ ràng… Dường như mọi công nhận về sự tồn tại của linh hồn sau khi chết dựa trên cảm tính, chưa có luận chứng cụ thể. Từ Đức Phật, đạo Phật cho đến khoa học hiện nay đều thiên về một linh hồn/tinh thần với cách hiểu là một phần quan trọng làm nên con người và khiến nó khác biệt với các loài động vật khác, kể cả loài Tinh tinh gần nhất với giống người. Theo khoa học, cốt lõi của vạn vật là năng lượng. Tổng hợp cao nhất, sống động nhất của vạn vật là linh hồn. Sau khi chết đi, linh hồn không mất nhưng cũng không còn nguyên linh hồn khi người còn sống. Xem ra quan điểm này khả dĩ chấp nhận được.
Theo Đức Phật, con người là sự giả hợp (không thật kết hợp lại) của 5 yếu tố (5uẩn): sắc, thọ, tưởng hành, thức, trong đó sắc là thể hiện ( thấy được bẳng 5 giác quan..), 4 uẩn còn lại là thể vô hình (không hiện) không thấy được bằng 5 giác quan. Theo đây, uẩn thứ nhất – sắc chi phối và quyết định 4 uẩn còn lại: thọ, tưởng hành thức. Nếu uẩn thứ nhất không còn thì 4 uẩn còn lại cũng không còn. Không còn như nó là khi gắn với sắc (lúc sống) nhưng không hoàn toàn mất đi. Cũng giống như 4 yếu tố của sắc (đất, nước lửa, khí) khi phân rã, thứ nào trở về với bản nguyên của thứ đó: nước về với nước, đất về với đất…, các uẩn còn lại cũng trở về với bản nguyên của chúng là thọ, tưởng, hành, thức. Thế thì không còn thứ gọi là linh hồn của người đã chết. Nếu linh hồn Tổ tiên không còn thì thờ cúng gì? Phải chăng thờ cúng Tổ tiên là cách để thể hiện lòng tưởng nhớ biết ơn mà thiếu nó thì không thể thành người.
- Ý nghĩa thờ cúng Tổ tiên
Từ trình bày ở trên, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên dường như không phải có nguồn gốc thờ linh hồn Tổ tiên mà là hình thức tưởng nhớ và tri ân Tổ tiên. Nhớ Tổ tiên là nhớ đức tính tốt đẹp của Tiên tổ, ông cha mà làm theo; nhớ công đức dựng tạo của họ mà không phá bỏ; nhớ để theo tấm gương, tiếp tục làm những gì mà ông cha chưa kịp làm mà tiếp nối truyền thống của họ; nhớ để học những bài học thành công và thất bại để tránh thất bại và được thành công hơn. Đây là cách thờ cúng hợp đạo lý làm người.
Thờ cúng Tổ tiên để nhắc nhớ nhau về cội nguồn, để thương yêu, nhường nhịn, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn, bớt phần rủi ro, tăng thêm thành tựu, xây dựng cộng đồng huyết tộc hòa thuận, không tranh giành để có cuộc sống an lành hạnh phúc. Từ cộng đồng nhỏ – dòng tộc bình an ra đến làng xã, địa phương, toàn quốc vì thế mà trật tự, an ninh tốt thì đương nhiên thế giới hòa bình. Có an bình thì tìm đâu ra bất an bất hạnh? Đúng như Khổng Tử nói: tu thân, tề gia (họ), trị quốc, bình thiên hạ. Tri ân Tổ tiên không gì bằng báo đáp khi sống. Khổng Tử nói, “bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích”. Trong thực tế hiện nay, cần nói thêm, bất hiếu cha mẹ không đủ tư cách thờ cúng Tổ tiên.
Trong quá trình phát triển của lịch sử ở các nền văn hóa như ở Việt Nam, khái niệm “tổ tiên” cũng có sự biến đổi, phát triển. Nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống gia đình, họ tộc,… mà nó đã mở ra phạm vi cộng đồng, xã hội toàn thể quốc gia dân tộc. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính mến, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo tín ngưỡng. Có khi tại các cơ sở thừa tự khác ở Việt Nam, họ là những tổ sư, tổ nghề, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa …được tôn phong thành hoàng làng để toàn dân thờ phụng. Đây thực sự là điều đáng cổ súy. Có người cho rằng, sự “cúng” tuy chỉ là hình thức, nhưng qua đó bộc lộ sự tôn vinh vẻ linh thiêng, huyền bí, mờ ảo và tạo nên sức hấp dẫn của cái linh thiêng là linh hồn tổ tiên. Nó chính là chất kết dính, biểu đạt nên màu sắc huyền bí và thỏa mãn niềm tin của chủ thể thờ cúng vào cái linh thiêng là sự hiển linh của linh hồn tổ tiên. Nhưng có lẽ, không chất kết dính nào bền chặt hơn hành động thiết thực để danh thơm Tổ tiên mỗi ngày được tươi mới, lan tỏa rộng và xa hơn. Đây là nét đẹp văn hóa.
Người Nhật tâm niệm rằng biết chết sẽ biết sống. Không quan trọng sống thọ bao nhiêu, chết được thờ như thế nào mà sống hay chết đều phải làm sao cho đẹp. Được giáo dục về cái chết là sự mất mát không lấy lại được, người ta sẽ yêu sự sống hơn, yêu những gì đang có và có ý thức giữ gìn nó. Cho nên họ đã sống hết mình bằng ý chí và sự nỗ lực tột cùng, tạo nên sự phát triển của nước Nhật rất nhanh để trở thành cường quốc.
Thờ cúng Tổ tiên bằng xây nhà thờ to, mộ lớn, cúng giỗ linh đình thì không chắc mấy người quá cố đã hưởng nhưng lời khen, sự trầm trồ thán phục người sống thì rõ là có. Nếu linh hồn Tổ tiên mà còn thật thì chắc họ cảm thấy bị làm phiền và nặng thêm phần lo lắng vì những lời cầu xin “phù hộ, độ trì”. Chi bằng tri ân trong tâm thiện lành thì hẳn âm được siêu và dương cũng thái. Thế thì thờ cúng Tổ tiên không phải hoạt động tâm linh.
- Vài điểm còn chưa rõ
- Theo cách hiểu nông cạn của tôi thì phong thủy là gió và nước. Đặc tính của gió nước là luôn di chuyển thì cái gọi là thuận, nghịch cũng luôn thay đổi không thể nhất thành bất biến. Nếu chọn lấy cái thuận thời điểm này ắt sẽ thành cái nghich ở thời điểm tiếp theo thì sao?
- Dùng thuật trấn yểm để khắc chế cái nghịch, tạo ra cái thuận. Như trên đã nói, khi đảo chiều thuận nghịch thì xử lý vật trấn yểm thế nào? Liệu các thầy phong thủy có theo mãi để sửa cái thuận nghịch mình tạo ra được không? Thuật của các thầy có giống nhau không để mà thay thế khi người tạo ra vật trấn yểm không còn?
- Nếu đúng là trấn yểm có tác dụng thì chẳng phải là phong thủy chống lại được luật nhân quả sao?
- Thuận từ nhiên hay khắc chế tự nhiên thì an lành?
- Liệu tâm lý cầu lợi trong thờ cúng Tổ tiên nhờ yểm trợ của phong thủy có làm tăng tính dựa dẫm làm liều của những người xấu xa (quan tham, dân gian) do tin vào thế lực vô hình giúp đỡ, chống lưng mà làm càn thì xã hội có phải chịu hệ quả tiêu cực từ đó không?
Phạm Đình Hổ, danh sĩ TK XVIII viết :”Đấng Khổng Phu tử vốn là bậc thánh trời sinh, nhiều tài năng, vậy mà chôn thân phụ ở đường Ngũ Phủ, sau đem về hợp táng ở đất Phòng, chứ không có tìm đất gì cả. Chính mộ đức Khổng Phu tử ở Khổng Lâm, cũng không hề tìm đất trước để làm nơi sinh phần bao giờ. Nay xét sách Đồ chí khuyết lý, thấy một khu đất vài trăm dặm, núi sông rộng rãi, so với thuyết các nhà phong thủy bao nơi nọ là ngưu sa hà thủy, nơi kia là quần quỉ hồ long, đều không có quan hệ gì. Xem vậy thì thấy cổ nhân bốc táng không có cái thuật đi tìm địa lý”.
Như vậy, theo Phạm Đình Hổ, người đời xưa, kể cả bậc thánh nhân, khi chôn cất không cần theo thuật phong thuỷ. Thiết nghĩ: thờ, cúng, lễ để nuôi dưỡng tâm thiện lành là điều thật nên làm. Biết phong thủy để thuận theo mà được an lành thì rất cần thiết. Mong sao những điều này ngày một lan tỏa rộng sâu đến mọi tầng lớp trong xã hội vì một cuộc sống chung bình yên./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Duy Anh (1938),Việt Nam văn hóa sử cương, NXB, Quan hải tùng thư, Huế.
- Phan Kế Bính (1999),Việt Nam phong tục, Hà Nội.
- Nguyệt Hạ (2005),Phong tục hôn lễ, tang lễ, tế lễ Việt Nam, Đà Nẵng.
- Bùi Xuân Mỹ (2001),Lễ tục trong gia đình người Việt Nam, Văn hóa thông tin.
- Đinh Kiều Nga (2018),Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt, Ban Tôn giáo Chính phủ.
- Trần Đăng Sinh, Đào Đức Doãn (2009),Giáo trình Tôn giáo học, Đại học
Sư Phạm.
- Trương Thìn (2010), Nghi lễ thờ cúng tổ tiên đền chùa miếu phủ, NXB. Thời đại.
- Bùi Lưu Phi Khanh (2017), Nguồn gốc, bản chất tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017, Nguồn: http://vhnt.org.vn/tin-tuc/van-hoa-co-truyen/30607/-nguon–goc-ban-chat-tin-nguong-tho-cung-to-tien-o-viet-nam.
- Nguyễn Thị Minh Ngọc (2017),Biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội Việt Nam đương đại, Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Nguồn: http://circlegroup.vn/bien-doi-cua-tin-nguong-tho-cung-to-tien-trong-xa-hoi-viet-nam-duong-dai/.
- Nguyễn Thị Hải Yến (2015), Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt, Tạp chí văn hóa nghệ thuật. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. Nguồn: http://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5225:nguon-goc-tho-cung-totien-ca-ngi-vit-&catid=112:tin-van-hoa-tu-tuong&Itemid=488.