PHONG THỦY SÂN VƯỜN

Chu Quang Khánh – Viện phó Viện NCUD Kiến Trúc Phong Thủy

Trong Phong thủy có những điều lưu ý đế khi chúng ta mang thiên nhiên đến ngôi nhà của minh không làm ảnh hưởng xấu tới không gian sống của chúng ta. Khi chúng ta hòa mình với thiên nhiên sẽ có những tác động tích cực đến cơ thể, làm dịu hệ thần kinh, phát triển tư duy, thúc đẩy sáng tạo, đưa con người về với chân ngã chan hòa tình yêu thương, chữa lành và gắn kết các mối quan hệ tích cực.

Sân vườn đóng vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu trong tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Một sân vườn hoàn hảo bao gồm sự hài hòa và cân bằng về âm dương và ngũ hành, kết cấu hợp lý, đẹp mắt, phù hợp với sở thích, cá tính, mang lại ý nghĩa riêng biệt với từng gia chủ.

Tùy vào khuôn viên của gia đình, có thể rộng hang nghìn m2, có thể chỉ là vài chục m2  trên sân thượng hoặc vài m2 ban công để chúng ta có quy hoạch và kiến trúc hợp lý cho dòng năng lượng của thiên nhiên được tự do tuôn chảy, một không gian lộn xộn, bố cục tùy tiện sẽ tạo nên sự trì trệ, cản trở may mắn. Dưới đây sẽ là những định hướng về yếu tố phong thủy cho một sân vườn :

Cổng vào: Ngoại môn

Cổng được xem là nơi dẫn khí vào nhà, đón tài lộc cũng như tránh những luồng khí xấu, những tác nhân xấu bên ngoài.

Có nhiều cách đặt cổng nhưng tựu chung lại là phải đặt cổng tại vị trí cát tường, hài hòa với bố cục chung của ngôi nhà.

Khoa học phong thủy khuyên bạn nên đặt cổng ở các vị trí Thiên Lộc, Thiên Mã, Quý Nhân. Có thể chọn phương pháp lấy tâm cổng về bên phải hướng nhà 2 sơn hoặc bên trái 4 sơn. Cũng có thể chọn tâm cổng về bên trái hoặc phải tọa nhà 6 sơn.

VD : Nhà tọa Thìn hướng Tuất, ta có thể đặt tâm cổng tại sơn Hợi (sang phải 2 sơn) hoặc tại sơn Thân (sang trái 4 sơn), cũng có thể đặt tại sơn Sửu hay sơn Mùi (từ tọa Thìn dịch sang phải hoặc trái 6 sơn)

Tùy vào vị trí đặt cổng và hướng cổng để chọn kiến trúc hình khối, màu sắc, vật liệu cho phù hợp phong thủy.

VD : Cổng hướng Tây, Tây Bắc (hành Kim) nên sử dụng cổng hình trụ, màu sơn trắng hoặc vàng, vật liệu có thể là gạch, đất, đá, kim loại. Cổng hướng Đông Nam (hành Mộc) nên sử dụng chất liệu bằng gỗ và sơn màu xanh cốm hoặc xanh lá cây.

Tránh đặt cổng các vị trí Hoàng tuyền, Bát sát theo phong thủy. Nếu phạm nguyên tắc phong thủy này có thể sẽ dẫn đến những hậu quả xấu thậm trí tai họa cho gia chủ.

Cổng hợp lý hài hòa với ngôi nhà và khu vườn,  vừa đạt tính thẩm mỹ vừa đảm bảo các nguyên tắc của phong thủy. không làm cổng rộng quá (tán khí) hoặc hẹp quá tạo cảm giác tù túng.

Lối vào khu vườn :

Lối vào nên tạo sự uốn lượn để luồng khí luân chuyển chậm lại, điều hòa và cân bằng năng lượng.

Tránh lối đi thẳng với cửa nhà tạo ra luồng khí quá mạnh và nhanh xộc thẳng vào nhà gây nên một sự sung sát, ảnh hưởng tới sức khỏe, tài lộc của gia chủ.

Nên sử dụng các khóm cây, hoa bên đường để che và hóa giải các lối đi trong sân vườn thẳng tắp.

Yếu tố nước trong sân vườn

Nước là yếu tố quan trọng trong phong thủy. Nó có thể giúp mọi thành viên trong gia đình có được sức khỏe, tài lộc, tình yêu và hạnh phúc nhưng cũng có thể mang đến những tai họa lâu dài cho chủ nhân nếu phạm các nguyên tắc về Thủy pháp. Trước nhà có nước “Tiền đường tụ thủy” được coi là nhà có phúc trạch. Một cái ao, Một đài phun nước, hoặc một vật phẩm phong thủy nước tuần hoàn trong vườn sẽ bổ sung yếu tố thủy cho khu vườn.

Nước chỉ hữu ích khi ở vào một số vị trí nhất định, đặc biệt khi kiến trúc và xây dựng hệ thống nước tuần hoàn trong sân vườn chúng ta nên áp dụng được yếu tố Thủy pháp : Nước đến tại các cung sinh, vượng, nước đi tại các cung suy, tuyệt. Hay vận dụng lý thuyết thủy pháp Huyền không để tính toán nước vào nước ra và các vị trí kị để xây dựng.

Theo lý thuyết của phái Huyền không Phi tinh thì trong vận 8 (2004-2023) các phương Linh thần như Tây Nam; phương Bắc, phương Đông và Đông Nam và các cung trong  tinh bàn lập cho ngôi nhà của gia chủ có sao hướng tinh sinh, vượng đều có thể đặt được các vật phẩm phong thủy nước.

Ta cũng có thể vận dụng kiến thức của HK Đại quái, nếu đương vận là các vận 6,7,8,9, căn cứ vào tọa của ngôi nhà để xác định những phương có quái vận là 1,2,3,4 để đặt các vật phẩm phong thủy nước.

Tùy theo kiến trúc công trình về yếu tố Thủy như ao, hồ, bể bơi, mương máng hay các vật phẩm phong thủy nước như các tiểu cảnh nước, bể cá để lựa chọn các phương pháp tính toán về phong thủy cho phù hợp, với phương châm đón lành tránh dữ, mang lại sinh khí và phúc lộc cho gia chủ.

Những không gian đặc biệt

Đây là không gian kín đáo, tĩnh lặng, yên bình, tràn ngập sinh khí, giúp chúng ta thoát khỏi thế giới bên ngoài, giải phóng bản than khỏi những áp lực của cuộc sống để tinh thần và cơ thể thư thái hòa mình vào thiên nhiên.

Có thể chọn đặt tại khu vực tình yêu và hôn nhân (khu vực Tây Nam của khu vườn), kết hợp những vật dụng như xích đu, ghế tình yêu, những khóm hoa màu hồng, màu đỏ, màu tím, một hồ nước nhỏ có những chú cá tung tang bơi lội cùng với những vật phẩm đặc trưng cho tình yêu như đôi ngỗng; Long phụng; chim uyên ương, tăng them sự lãng mạn và gắn bó tình cảm đôi lứa.

Với những người muốn tạo cho mình một khu vực Thiền định, hoặc một nơi lý tưởng để đọc sách, học hành và các hoạt động phát triển trí tuệ lẫn tâm hồn, có thể chọn đặt tại cung kiến thức và phát triển bản than (tại khu vực Đông Bắc của khu vườn), bạn có thể tôn tượng, bố cục những vật phẩm theo tín ngưỡng, tôn giáo tại đây.

Có thể chọn xây dựng tại cung sức khỏe (khu vực phía Đông của khu vườn) làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn hết sức lý tưởng với việc kết hợp cây xanh với các tiểu Cảnh nước, hồ cá, thác nước hay đài phun nước.

Cây trong sân vườn

Cây là lá phổi của ngôi nhà, cây không những cho ta bóng mát mỗi trưa hè oi ả mà còn cho ta nhiều lợi ích từ kinh tế, y học, sức khỏe, chắn gió bão, hấp thụ khói bụi, khí độc, khí cacbonic cung cấp oxy dưỡng khí cho con người.

Cây cối có vai trò vô cùng quan trọng, nó giúp cân bằng sinh thái, cân bằng âm dương, ngũ hành, tang phong tụ khí cung cấp những dưỡng khí và năng lượng tích cực cho con người, mang lại cho chúng ta cảm giác mát mẻ, thư thái, thanh bình, và tràn đầy sinh khí.

Cây cối tốt tươi, phát triển, hoa trái rực rỡ, sum suê là biểu hiện sân vườn có sinh khí tốt, con người khỏe mạnh, tài lộc dồi dào.

Tùy vào địa thế, vị trí, kiến trúc ngôi nhà và khu vườn, vùng miền, thổ nhưỡng và cả sở thích của gia chủ đặc biệt là yếu tố phong thủy mà bố trí cây xanh hợp lý hài hòa.

Về nguyên tắc sắp đặt bố trí các loại cây trong khuôn viên có nhiều căn cứ và tùy theo mục đích của từng gia đình. Hoặc là thuận theo tự nhiên bốn mùa mà phương Đông biểu tượng của mùa Xuân, phương Nam biểu tượng của mùa Hạ, phương Tây biểu tượng của mùa Thu và phương Bắc là biểu tượng của mùa Đông. Ngoài ra người ta còn trồng cây, màu hoa… dựa theo Dụng thần của chủ nhà, hay kích hoạt tài lộc, hóa sát dựa vào Vận bàn, Niên bàn cũng như đặc điểm khí hậu của địa bàn nơi cư trú. Trong phạm vị bài viết, vì thời lượng có hạn tôi chỉ giới thiệu về nguyên tắc bố trí cây cảnh, hoa sân vườn theo 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Hướng Bắc có khí lạnh thổi đến (khí độc) : nên trồng cây chắn gió, ngăn khí độc. Nên chọn cây có lá dày, hoc chắc ngăn gió lạnh và lá màu sáng để phản xạ ánh sáng .

Hướng Tây nắng nhiều, nên chọn cây có tán rộng, chịu nắng nóng tốt.

Hướng Nam có gió lành thổi tới, nên chọn cây thấp để đón gió. Không chọn cây cao lớn, rậm rạp che lấp ánh sáng và ngăn khí tốt.

Hướng Đông là hướng tốt có ánh sáng bình minh rực rỡ sớm mai, nguồn khí tốt, nhiều năng lượng dương, cũng nên chọn những cây vừa phải, thoáng để thu hút nguồn năng lượng tích cực .

Minh đường (trước nhà) cần thoáng, rộng rãi, sơn bao thủy ấp. Không trồng cây cao, to, rậm rạp, làm ngăn cản luồng sinh khí đi vào nhà, che lấp ánh sáng làm căn nhà tổi tăm, ảm đạm.

Chọn cây theo phong thủy : dựa trên những nguyên lý về âm dương ngũ hành của phong thủy, đặc tính phong thủy của từng loại cây như chủng loại cây, kiểu dáng, hình thức, mùi hương, tính âm dương, tính độc … các điều kiện cần và đủ cho cây phát triển để chọn lựa cây trồng cho sân vườn :

Những cây trồng ngoài trời : Cây Tre, Trúc, cây hoa Hòe; cây Sung, cây Lộc vừng, cây Tùng la hán; cây Cau ta; cây Lựu;  các cây họ nhà Lan, họ nhà Sơn tra, cây Đào; Mận; Mơ; Mai; Mít, cây Sưa đỏ; cây Chay; cây Ginkgo; cây Phát tài núi, cây Lưỡi hổ; Hoa hồng,  cây Trạng nguyên, Cam, Chanh … đây là những loại cây có năng lượng cao, cung cấp nguồn năng lượng dương dồi dào, mang lại sinh khí cho ngôi nhà bạn.

Cây trông trong nhà, ngoài ban công và những nơi có ánh sáng yếu, yếm khí như cây Phát tài núi, cây Lưỡi hổ, cây Kim tiền, cây Trầu bà, cây Ngọc bích, cây Sen đá, cây Dây nhện, Phất dụ, Phát lộc, Trúc nhật, Lan ý, Phú quý, Vạn lộc vv …là những cây mang lại năng lượng dương tốt, hấp thụ khí độc, những năng lượng xấu, tiêu cực, những bức xạ gây hại hoc ơ thể, thanh lọc không khí, rất tốt cho sức khỏe con người.

Tránh trồng trong sân vườn những loại cây nhiều âm khí, có tính độc, nhiều gai góc, đặc biệt là trước cửa nhà như : cây Liếu, cây Dâu, cây Sứ, cây Đại, cây Xương rồng, Trúc đào, cây Si; cây Bách, cây Vông, cây Thủy tùng; cây hoa Ban; cây Khế không nên trồng trước cổng và cửa nhà.

Kị để cây lớn xuyên qua nhà, dây leo trước cổng, cây ăn quả trồng cạnh nhà quá nhiều, trồng độc thụ (một cây) trước cửa; cây khô, trơ trụi …

Tiểu cảnh sân vườn

Thú chơi tiểu cảnh rất phổ biến hiện nay và được nhiều người lựa chọn đặt trong sân vườn.

Vị trí đặt tiểu cảnh có nhiều cách bố trí: có thể sắp đặt theo phái hình thế loan đầu, trái Thanh Long có nước chảy động hay con đường nhỏ, phải bạch hổ có núi, trước là minh đường có hồ nước, án sa. Sau có núi hay gó đồi cao để tựa.  Cũng có thể đặt theo trận đồ tinh bàn theo HKPT, tức đặt ở những vị trí có Sơn vượng, Hướng vượng. Sơn vượng nên đặt non bộ núi đồi. Hướng vượng nên đặt các tiểu cảnh có yếu tố Thủy … và nhiều cách khác nữa.

Chất liệu : Rất đa dạng song nên chọn những tảng đá nguyên khối. Phổ biến hiện nay đá làm tiểu cảnh non bộ thường được chọn là : đá Vôi, đá Da Voi, đá Tuyết Sơn, đá Vàng, đá Lũa, đá San hô, đá Cuội…

Hình khối : Chọn những núi đá có hình Kim, Thủy, Thổ, Mộc để xây dựng non bộ. Núi hình Kim chủ về quý nhân, mang lại quan lộc cho gia chủ; núi hình Thủy chủ về trí tuệ, học vấn; núi hình Mộc chủ về văn nhân; núi hình Thổ chủ về tài lộc… Tránh sử dụng những loại núi hình nhọn sắc, lởm chởm, gai góc gây bất lợi cho bạn.

Tiểu cảnh núi cần phải có cây xanh để tạo sinh khí, nên dung các loại cây trồng cho non bộ như Sung, Lộc vừng, cây Xanh…

Nước sử dụng cho tiểu cảnh phải là nước sạch, có hệ thống lọc nước để giữ cho nước không bị vẩn đục, ô uế. Nếu để nước bẩn sẽ làm ô nhiễm, sinh côn trùng ruồi muỗi, hình thành yếu tố Thủy sát gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tài lộc của gia chủ.

Tường rào cho khu nhà và sân vườn

Không xây dựng tường rào quá gần hoặc quá cao so với ngôi nhà sẽ làm mất mỹ quan và ảnh hưởng tới phong thủy gây mất cân bằng âm dương.

Tránh tường, rào có những mũi nhọn đâm vào nhà sẽ tạo luồng năng lượng xấu xung sát với ngôi nhà gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tài lộc của người trong nhà.

Hà Nội, tháng 4 năm Tân Sửu