Chu Hạnh Hoa – Chánh Văn Phòng Viện NCUD Kiến Trúc Phong Thủy
Người xưa đã tổng kết, nếu gói gọn toàn bộ Kinh Dịch trong một chữ thì đó là chữ “Thời”. 64 quẻ dịch là 64 thời. 384 hào là 384 thời nhỏ nằm trong 64 thời lớn. Mỗi thời nhỏ ấy lại nằm trong những hoàn cảnh, tình huống tạo nên các thời thế khác nhau. Ai học Kinh dịch biết được cái thời của mình mà hành động theo cho hợp thời thì không gì là không có lợi.
Ví như quẻ Càn, là quẻ mô tả những bước đường đời của bậc đại nhân có tài đức muốn lập nghiệp lớn để giúp đời. 6 hào của quẻ là 6 thời nhỏ- 6 bước tiến trình của quá trình lập nghiệp. Từng hào Dịch đều đưa ra các lời khuyên. Như hào 1- thời đầu tiên của quá trình lập nghiệp, lời hào viết “Rồng” còn ẩn, chưa đem tài ra dùng được. Dịch khuyên người quân tử lúc này nên rèn ý chí, luyện tài đức, kiên nhẫn, bình tĩnh chờ đợi. Lúc này người tài giỏi nhưng thiên hạ chưa biết về mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được ý chí của mình. Rồi hào 2 : “Rồng đã hiện ra ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi” Dịch lại khuyên : thời cơ đã đến, người quân tử có thể ra giúp đời – nên kiếm người cùng đồng tâm, đồng đức với mình để làm việc. Sau tiếp đến hào 3, hào 4 thì người quân tử có thể hành động nhưng Dịch vẫn khuyên cần cẩn thận, biết tiến thoái đúng lúc. Cho đến hào 5 là thời hưng vượng nhất của quá trình lập nghiệp , lời hào viết “Rồng bay trên trời”. Hào 5 là hào tốt nhất của quẻ, sự thành công mỹ mãn, nhưng dù vậy Dịch vẫn cho lời khuyên nên : “lợi kiến đại nhân”. Lợi kiến đại nhân là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy chỗ thấp, lửa bén chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp. Thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào. Người có học vấn, có tư cách cao quí, có địa vị trong xã hội, tuy có cương vị cao nhưng vẫn rất cần những người cộng sự tốt hợp tác với mình mới có thể bền vững.
64 quẻ Dịch như bộ cẩm nang để người quân tử theo đó mà hành xử mọi việc. Từ các việc lớn trị dân, trị quốc đến các việc nhỏ trong gia đình Dịch đều có các quẻ chỉ bảo cặn kẽ. Có những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt – như việc ăn uống hàng ngày Dịch cũng chỉ bảo tường tận.
Về ăn uống có các quẻ Di, Đỉnh, Tỉnh. Qua quẻ Di, Dịch dạy cách ăn uống sao cho khoa học. Quẻ Di có hình tượng như cái miệng. Di cũng có hình ảnh ổ bụng, khoang bụng. Quẻ Di khuyên nên “tiết ẩm thực” ( vì bệnh tòng khẩu nhập ). Đừng vì miếng ăn mà mang nhục. Ba hào đầu nói về đạo nuôi dưỡng thể chất thì Dịch đánh giá là “hung’ và “bình” nhưng ba hào sau nói về đạo nuôi dưỡng tinh thần thì đều “cát”. Vậy mới thấy đạo nuôi dưỡng tinh thần quan trọng đến dường nào !
Ngoài việc ăn uống trong gia đình thì phải “tề gia” – Dịch dành hẳn quẻ Gia nhân dạy về “đạo” trong gia đình. Từ vai trò của bố mẹ đối với con cái tới cách cư xử dạy dỗ của bố mẹ với các con. Con cái muốn góp ý, sửa lỗi cho cha mẹ thì có quẻ Cổ. Kinh dịch rất quan trọng việc “dạy dỗ” nên ngoài quẻ Gia nhân , còn có quẻ Mông nói về việc giáo dục trẻ thơ.
Một trong những vấn đề Dịch quan tâm là vấn đề nam nữ, vợ chồng. Khi trai gái cảm nhau, yêu nhau Dịch có quẻ Hàm – khi đã là vợ chồng thì có quẻ Hằng dạy về đạo vợ chồng !
Việc cúng lễ cũng được Dịch chỉ dạy rõ ràng qua quẻ Lý, Tụy. Khi gặp hoạn nạn Dịch cũng chỉ cách thoát hiểm qua quẻ Khảm, Kiển, Truân, Khốn.
Tóm lại mọi việc trong đời sống xã hội Kinh dịch đều có các quẻ tương ứng để chỉ bảo cách ứng xử.
Ứng dụng tính chất các quẻ và hào quẻ của Dịch vào các việc trong cuộc sống cho kết quả rất tốt. Vận dụng chữ Thời của Kinh dịch, Viện nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy hàng năm đã cho ra đời bộ lịch dụng sự AFSA. Lịch này để chọn ngày giờ tốt lành cho mọi việc – rất hữu ích và thuận tiện cho mọi người. Lịch dùng được cho cả người đã nghiên cứu về kinh dịch lẫn người chưa biết gì. Độc giả chỉ cần mở ngày tháng mình dự định làm việc gì ra. Lịch đã ghi rõ những việc nên làm và những việc cần tránh. Các tuổi kị, xung khắc với mệnh chủ. Với các Thầy Phong thủy thì lịch AFSA càng hữu ích, lịch đã tính sẵn quẻ dịch của ngày đó, cả Huyền không phi tinh và Huyền không đại quái.
Hiểu được Thời, lại “dụng” thời, khắp thế giới có lẽ không có bộ sách nào kỳ lạ như bộ Kinh dịch – một bộ sách thật tuyệt vời !