Nguyễn Văn Liên
Trong kho tàng văn hóa cổ Đông phương, hệ thống lý luận và phương pháp vận dụng của tất các bộ môn trạch cát nói chung là vô cùng rộng lớn và rất phức tạp, giữa chúng luôn có mối liên hệ mật thiết, chằng chéo và tương hỗ lẫn nhau. Trên thực tế khi bàn về bộ môn thuật số này, ta dễ dàng nhận thấy ngay, mối liên hệ giữa chúng với các bộ môn thuật số khác. Trong phạm vi bài viết mang tính tham luận ở góc độ hẹp này xin phép được đề cập đến: Môi liên hệ giữa bộ môn “Tam thức” và bộ môn “phong thủy học”.
Khi nói đến “Tam thức” ta biết ngay đó là ba môn thuật số: “Kỳ môn – Thái Ất và Lục Nhâm” đây là ba môn thuật số cổ, được các nhà nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương và các học giả nghiên cứu chuyên sâu về thuật số, đánh giá là ba bộ môn trắc nghiệm ở cấp độ cao nhất. Xếp theo thứ bậc thì “Kinh Dịch”được coi là một bộ “Thiên cổ kỳ thư”, còn “Tam thức” thì được xếp vào hàng những “học thuyết” có thể ”Đoạt thiên địa tạo hóa”. Vì vậy trong quá trình đi sâu vào nghiên cứu các bộ môn thuộc “Tam thức” và bộ môn “Phong thủy học”, mặc dù các bộ môn trên luôn đứng ở vị trí độc lập, nhưng như đã trình bày ở phần trên, giữa chúng có các mối liên hệ nhất định, cũng chính vì lẽ đó, mà nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi là trong thực tế dụng sự “Phong thủy học” và “Tam thức” có mối liên hệ với nhau như thế nào?
Khi bàn đến là thuật “Phong thủy” ta biết rằng ngay từ thời cổ xưa thuật số này cũng đã sớm phân định thành các trường phái, mỗi trường phái đi theo chủ thuyết khác nhau, về mặt chủ trương giữa các trường phái tuy có những nét tương đồng, nhưng cũng chứa đựng không ít mâu thuẫn. Theo các nhà nghiên cứu chuyên sâu về “Phong thủy” nhận định cho dù chủ trương khác biệt ra sao? Phong thủy học vẫn được phân biệt thành hai trường phái chính, đó là phái Loan đầu và phái Lý khí. Đối tượng mà cả hai phái đều hướng tới đó là dương trạch và âm phần, đây có thể được coi là hai đầu mối lớn trong việc tạo táng. Muốn biết rõ mối liên hệ và phương pháp dụng sự đã vận dụng kết hợp ra sao giữa thuật “Phong thủy học” với thuật số của “Tam thức”? Ta không thể không xét bộ môn “Phong thủy” ở từng khía cạch khác biệt.
- a) Phái Loan đầu: Phái này chủ yếu dựa hình thế tự nhiên của núi đồi, sông nước và các hình dạng của địa vật xung quanh lấy đó làm căn bản để tiến hành xây dựng một ngôi nhà hay một phần mộ. Chủ trương của phái này là: “Sơn và Thủy đã ăn ý với nhau, tức là thiên nhiên đã chọn sẵn cho ta một cuộc đất tốt” và “ Chỉ cần phối hợp nhịp nhàng giữa sơn và thủy qua sự dàn dựng của con người là đủ”. Tuy không phủ nhận, nhưng phái này có phần coi nhẹ các yếu tố liên quan đến phượng vị, hào quẻ và tinh tượng.
- b) Phái Lý khí: Phái này chủ yếu dựa vào phương vị, hào quẻ, tinh tú để xác định được vị trí lý tưởng, để sau có thể tiến hành xây dựng một ngôi nhà hay một phần mộ. Phái Lý khí chủ trương: “Thiên nhiên không phải ở hình thể mà thôi, mà còn sự hiện diện của những yếu tố vô hình nữa”. Như vậy có thể thấy phái này rất coi trọng các yếu tố liên quan đến phương vị, hào quẻ và tinh tượng.
Từ chủ thuyết chính của hai trường phái Phong thủy trên, ta đã có thể thấy được thuật phong thủy chẳng qua cũng là sự thể hiện theo từng bước kinh nghiệm, của con người về thiên nhiên, những kinh nghiệm ấy dù theo chủ thuyết nào cũng vẫn có thể thay đổi ít, hoặc nhiều cho phù hợp với cuộc sống thực tế. Điều đáng nói ở đây là cả hai phái, dù là sau hay trước khi tiến hành tạo táng cũng đều tiến hành chiêm bốc, chỉ khi gặp được quẻ lành thì mới an tâm. Ta biết rằng để chiêm bốc cát hung trong công việc tạo táng dương cơ và âm phần dù là trước hoặc là sau khi tạo táng, thông qua một số môn thuật số, việc tìm kiếm phương pháp dụng sự không phải là việc quá khó. Trong phần tham luận này, chúng tôi xin phép chỉ đề cập đến phương pháp sử dụng “Bản đồ Thái Ất” và “Bản đồ Kỳ môn” dụng sự cho “Phong thủy học” có thể rất đáng được tin cậy.
- a) Dùng “Bản đồ Thái Ất” ta có thể tiến hành tính toán được thời điểm năm, tháng, ngày, giờ tối cát, tại phương vị đã được lựa chọn trước khi tiến hành tạo táng. Từng bước cụ thể như sau:
– Lựa chọn phương vị, tiến hành định vị xác định phương vị mà ta định tiến hành tạo táng trên thực địa bằng La bàn.
– Tính toán vòng Kỷ dư của năm, tháng, ngày và giờ để xác định thời điểm Tôn tinh và Đế tinh lâm phương vị đã lựa chọn.
– Chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để tạo táng, đợi đúng thời điểm tối cát để tiến hành công việc.
– Ví dụ: Việc cần tạo táng vào năm 2019 Kỷ Hợi. Phương vị định sẵn là Tọa Càn – Hướng Tốn.
– Ta tính vòng Kỷ dư của năm 2019 Kỷ Hợi được 336. Đem 336 : 8 = 42. Từ kết quả trên ta biết được Thiên tôn năm nay 2019 đóng tại cung Tốn. Thiên đế đóng tại cung Càn. Như vậy tại thời điểm năm nay hai phương Tốn – Càn có thể tiến hành tạo táng mà không e ngại thần sát của năm.
– Tương tự ta tính Vòng Kỷ dư tháng. Ta sẽ có tháng 2/2019 và tháng 10/2019. Thiên tôn đóng tại cung Tốn và Thiên Đế đóng tại cung Càn.
– Tương tự ta tính vòng Kỷ dư của các ngày thuộc tháng 2/2019 và tháng 10/2019. Ta sẽ có được các ngày 01/02; 09/02;17/02; 25/02 và các ngày 06/10; 14/10; 22/10 Thiên Tôn và Thiên đế đóng tại cung Tốn và Càn.
– Tương tự như cách tính cho năm, tháng, ngày ở trên ta dễ dàng tính ra được giờ mà Thiên tôn và Thiên đế tọa cung Tốn và Càn trong các ngày, đã tính cho có tháng trong năm và năm 2019 Kỷ Hợi.
- b) Dùng “Bản đồ Kỳ môn” đã lập thành tại thời điểm tạo táng, lần lượt xét các yếu tố: Can chi – Trực phù – Trực sử – Thập can – Cửu tinh – Cửu cung – Bát môn – Tam Giáp – Cách cục. Ta có thể đi đến các kết luận cát hoặc hung về vị trí của dương trạch, hoặc âm phần, cũng như mối liên hệ giữa ngôi nhà với chủ nhân, hoặc giữa thân nhân của người chết với mộ phần, cũng như các mối liên hệ khác. Phần này trong một số sách viết về “Kỳ môn” chứa đựng khá nhiều nội dung và các thông tin liên quan đến “Phong thủy học” do quá dài nên không thể trình bày ở đây. Để có được tài liệu cần tham khảo những nội dung đã đề cập trên, độc giả có thể tìm đọc cuốn: “Kim hàm ngọc kinh Kỳ môn độn Giáp – Chiêm đoán vạn sự” của tác giả: Lưu Bá Ôn. Sách do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2013. Cuốn “ Giải mã Thái Ất” và cuốn“Giải mã Kỳ môn độn Giáp” của tác giả: Nguyễn Vân Liên. Sách do Nhà xuất bản Hồng đức ấn hành năm 2019 và một số tài liệu khác.
Trên đây là một vài ý kiến tham luận với mong muốn được trao đổi, sẻ chia cùng các nhà nghiên cứu văn hóa cổ Đông phương, các nhà nghiên cứu thuật số chuyên sâu, cùng toàn thể các độc giả yêu thích các bộ muôn thuật số nói chung và bộ môn “Tam thức” cũng như “Phong thủy học” nói riêng. Do kiến thức của chúng tôi cũng còn rất hạn hẹp, nên rất mong được các quý vị thông cảm và có ý kiến bổ sung cho những phần khiếm khuyết. Xin chân thành cám ơn.
Hà Nội. 9/2023