TỪ ĐƯỜNG DÒNG HỌ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA PHONG THỦY

                                                                                  GS.TS. Đinh Khắc Thuân

                                                                                  Viện Nghiên cứu Hán Nôm

        Từ đường hay nhà thờ họ là một công trình kiến trúc về tâm linh. Vì thế việc xây dựng, bài trí trong nhà thờ cần vừa tuân thủ theo thuật phong thủy, vừa giữ được nét đẹp truyền thống, đó là điều không hề đơn giản. Chính vì vậy, cần vận dụng những nguyên tắc cơ bản trong thuật phong thủy liên quan đến việc xây dựng, bài trí nhà thờ họ. Trên cơ sở đó lí giải thực tế kiến trúc, bài trí nội thất, cùng nghi thức phụng sự tổ tiên trong nhà thờ họ ở làng xã nước ta từ xưa đến nay.

1.Khái quát về phong thủy

         Phong thủy là hai chữ Hán 風水có nghĩa là gió và nước. Thuật ngữ “Phong thủy” lần đầu tiên được thấy trong cuốn “Táng thư”《葬書》: (Sách về mai táng) của Quách Phác đời Tấn viết: “葬者,乘生氣也,氣乘風則散,界水則止,古人聚之使不散,行之使有止,故謂之風水,風水之法,得水為上,藏風次之”。“Việc mai táng người, lợi dụng khí, khí sẽ bị gió phân tán, sẽ dừng lại ở ranh giới nước. Người xưa gom lại để không phân tán, di chuyển để ngăn chặn. Vì vậy, nó gọi là Phong Thủy, và phương pháp của Phong Thủy là lấy nước trước, giấu gió sau”. Đây là định nghĩa sớm nhất về Phong thủy. Có thể thấy, nghệ thuật Phong Thủy còn là nghệ thuật xem đất, mà cốt lõi là sự lựa chọn môi trường sống hay chôn cất của con người và sự xử lý các quy luật thay đổi của vũ trụ, nhằm đạt được mục đích cầu phúc và tránh điều ác.

         Phong Thủy còn được gọi là “Kham dư“堪輿”” vào thời cổ đại. Trong đó,  “Kham” có nghĩa là thiên đạo, là nơi cao, còn “Dư” có nghĩa là Địa đạo, nơi thấp. “Kham dư” dùng để chỉ sự nghiên cứu giữa thiên đạo và địa đạo (việc nghiên cứu mối quan hệ giữa trời và đất), đặc biệt là mối quan hệ giữa địa hình cao và thấp.

         Phong Thủy có lịch sử lâu đời, là yếu tố rất quan trọng trong ăn, mặc, ở, đi lại. Sau đó nó phát triển thành việc tìm kiếm địa hình tang lễ. Đến thời nhà Hán, người ta đã kết hợp Âm Dương, Ngũ Hành, Thái Cực, Bát Quái, v.v. để tạo thành một hệ thống lý thuyết độc đáo nhằm tìm hiểu khuôn khổ tổng thể của vũ trụ. Đó là nền tảng lý thuyết của Phong Thủy và có ý nghĩa đặc biệt trong việc ứng dụng và phát triển Phong Thủy. Mục tiêu cơ bản của Phong Thủy là sự hài hòa và cân bằng âm dương, là sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Vì thế, Phong Thủy có thể được chia thành Dương trạch và Âm trạch.

        Ở Việt Nam. Các triều đại từ thời Đinh, Tiền Lê xây dựng kinh thành ở Hoa Lư, sau đó nhà Lý chuyển đô về Thăng Long, thời Nguyễn xây kinh đô ở Phú Xuân đều có các bậc thầy địa lý xem đất, tìm long mạch mà sắp xếp các hạng mục kiến trúc hợp phong thủy.

        Thời Lê, nước ta có Thầy địa lý nổi tiếng là Tả Ao sau được suy tôn là ông tổ Phong thủy. Ông tên thật là Hoàng Chiêm người làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Các sách vở cũng như truyền thuyết đều coi ông là Thánh Địa lý Tả Ao, Trạng Tả Ao, Đệ nhất về địa lý phong thuỷ Việt Nam. Tác phẩm của ông hiện còn một số bộ sách Địa lý quý lưu giữ tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

        Trong số tác phẩm địa lý của Tả Ao còn lại, tiêu biểu là sách “Thiên Nam địa giám bảo thư địa lí chính tông”, sách chữ Hán, kí hiệu A.461. Sách bàn về phong thủy của Cao Vương (Cao Biền):  “Cao Vương chân truyền” do Tả Ao biên tập, gồm: Tam tài định vị, Âm dương ngũ hành, Minh chư huyệt pháp, Đồ thức tinh sa, Sa thủy tiêu nạp, Giả chân khí thế, Dương cục phóng khai, Phân kim tọa độ, Âm mệnh nhật thời…

         Sách “Tả Sao tiên sinh bí truyền bảo trân tàng” 左 幼 先 生 祕 傳 家 寶 珍 藏, kí hiệu: A. 2222. truyền cho con trai trưởng lưu truyền đời đời làm pháp sư. Sách viết về cách tìm huyệt, để mả, chọn đất và đặt hướng nhà, đền chùa. Sách gồm bài Tổng luận: Tự bình sa thủy, sau đó chia làm ba tập: Thiên tập, Địa tập và Nhân tập.

        Sách “Toản thuật họa chính địa lý quốc ngữ ca” do tả Ao soạn, là bản diễn ca phép phong thủy để dễ truyền dễ nhớ, trong đó, mở đầu có câu:

“Pháp thời đệ nhất lai long

Đệ nhị thủy khẩu cứ trong cho tường

Tại đông thủy phóng tây phương

Nam lai phóng bắc cứ phương họa bàn

Sửu Mùi Thìn Tuất bốn phương

Ấy là thủy khẩu phải tường mới nên

Tả hoàn thu nước hữu toàn

Nhược bằng mạch hữu thu bên tả tài

Khán thủy khẩu biện long lai

Cứ như pháp ý chẳng sai đâu là”….

           Rõ ràng là, phong thủy được sử dụng khá phổ biến ở nước ta trong lịch sử, từ việc đặt dựng kinh đô đến việc tìm huyệt mạch lăng mộ, cũng như đặt hướng, chọn đất xây đình, chùa, đền miếu và từ đường dòng họ,…

2.Các khía cạnh của phong thủy tại nhà thờ tổ tiên

         Nhà thờ tổ tiên, ở Trung Quốc gọi là Gia miếu, ở Việt Nam thường được gọi bằng tên chữ là Từ đường và được diễn giải là Nhà thờ tổ tiên, nhà thờ họ. Từ đường nơi thờ cúng vong linh tổ tiên, cầu phúc, mong nối dài dòng họ và cháu con hưng thịnh. Đây cũng là nơi tụ họp giữa các thành viên trong tộc họ khi có những sự kiện lớn liên quan. Thuật Phong thủy được thể hiện khá chặt chẽ trong ngôi Từ đường, từ chọn vị trí nhà thờ, đến kiến trúc, bài trí đồ thờ,…yếu tố có liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của dòng họ.

a. Lựa chọn địa điểm

       Phẩm chất phong thủy của tổ tiên là mấu chốt cho sự hưng thịnh của toàn tộc, vì vậy việc chọn đất xây dựng Từ đường hết sức quan trọng, nói chung là phải chọn vị trí trung tâm, đắc địa.

       Tương tự như vị trí xây dựng những công trình tín ngưỡng khác, như đình miếu, chùa, Từ đường cũng chọn vị trí đắc địa, hay dân gian thường gọi là đất phúc. Vị trí đó thường được gọi là ở thế tay ngai, tức là Đông Thanh long, Tây Bạch hổ, Bắc Huyền vũ và Nam Chu tước. Thanh long tức dải sông uốn lượn ở phía Đông, phía Tây là những gò đống có hình hổ phục, phía Bắc thường gối lên dải Huyền vũ, phía Nam là đồng đất trải rộng như thẳng cánh chim bay. Nguyên tắc này cũng thể hiện âm dương đối đãi, thể hiện sự bổ sung lẫn nhau giữa âm và dương, giữa ảo và thực, giữa cứng và mềm. Điều này thường được gặp trên văn bia chữ Hán trước kia khi nói về vị thế ngôi chùa hoặc đình miếu, từ đường ở làng xã.

      Chẳng hạn, văn bia chùa Hưng Phúc thôn Hoa Cầu, xã Thái Học, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên khắc năm Sùng Khang thứ 5 (1572) có đoạn chữ Hán được dịch ra như sau :

     «Nay chùa Hưng Phúc nằm trên địa giới hương Nghĩa Trụ, xã Tân Kiều, huyện Văn Giang, phủ Thuận An. Trong hương có đất phúc: phía đông, sông Nghĩa Giang uốn quanh như rồng lượn; phía tây, làng Nhân Lý bao bọc như hổ ngồi; phía trước là gò Chu Tước có chợ ở giữa hội họp phía nam; phía sau là dải Huyền Vũ có chùa Khánh Lâm cao vời phía bắc. Một vùng đất trời xung yếu, một cảnh đẹp trong dân gian».[1]

      Theo miêu tả ở trên thì, kiến trúc này đều nhìn về hướng Nam. Với mô hình như vậy, thì bên trái và bên phải có sự tương phản lẫn nhau, âm dương bổ sung cho nhau, cứng và mềm bổ sung cho nhau, việc nhỏ dẫn đến việc lớn. Theo luật Phong Thủy thì, “Nếu ôm bên trái và ôm bên phải thì sẽ có Khí”. Đây là nơi sản sinh sức sống, năng lượng tinh thần và phúc lành. Tuy nhiên, dựng nhà thờ vẫn chọn các hướng khác, nhưng được chọn theo điều kiện tĩnh mạch rồng đặc biệt. Ngoài ra, cần có minh đường hình vuông và rộng rãi.

b. Quy mô kiến trúc

        Ngôi Từ đường dòng họ truyền thống thường có quy mô không lớn, chủ yếu gồm Hậu cung và nhà Tiền tế. Hậu cung có thể là một gian ở giữa nối với nhà Tiền tế, nên được gọi là hình chuôi vồ. Nhưng cũng có tòa hậu cung được xây bằng một tòa nhà ở phía sau song song với nhà Tiền tế, tạo thành kết cấu hình chư Nhị (二).

        Nhà Tiền đường thường có 3 gian hoặc 3 gian hai chái, mỗi gian có kích thước được vận dụng số Lỗ Ban. Phía trước nhà thờ là sân, cổng, tường, cùng các phòng phụ khác. Quy mô lớn nhỏ của nhà thờ là tùy thuộc vào vị thế dòng họ, khả năng kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, phía trước nhà thờ là không gian thiêng, mà ở đó từ chính điện thờ nhìn thẳng ra phía trước là đường Thần đạo. Nếu là lăng mộ, thì trên đường Thần đạo được dựng bia Thần đạo để người thường không đi vào, cũng có ý nghĩa như một bức bình phong ngăn chặn tà khí. Vì vậy, trên đường Thần đạo ở nhà thờ cũng không được làm lối đi mà trên đó thường dựng bức bình phong. Trên bức bình phong phía trong thường khắc hình Ngũ phúc, gồm bốn hình con rơi bốn góc chầu vào chữ Phúc hoặc chữ Thọ ở giữa.

        Cũng vì thế, trên đường Thần đạo đó, không bao giờ được trồng cây lớn. Nếu có cây lớn ở đó, nó sẽ đối diện với cửa. Theo quan niệm phong thủy thì cây lớn trước cửa không chỉ cản năng lượng dương vào nhà mà còn ngăn cản năng lượng âm vào nhà. Về mặt thực tế, thì cuộc sống cũng hàng ngày cũng bị cản trở việc ra vào của các thành viên trong gia đình, hoặc giả vào mùa thu, lá cây rụng nhiều trong sân nhà gây ô uế, thậm chí vào trời mưa sấm sét sẽ có nguy cơ bị sét đánh.

        Trong nhà thờ trước đây không thể thiếu được giếng nước. Giếng nước không chỉ là để cung cấp nước cho sinh hoạt mà quan trọng hơn giếng là biểu hiện của phong thủy, là mạch thông âm. Vị trí giếng nước tốt nhất không nên đặt giếng nước ở trước nhà. Bởi đặt giếng ở vị trí trước nhà còn sẽ mang lại những điều không may mắn, có thể mang đến hạn họa bất ngờ. Vì thế việc đào giếng được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Thực tế, vị trí đào giếng hợp lý theo phong thủy, thường chọn ở hướng phía bên trái của căn nhà. Đây là hướng của Thanh Long thuộc hành thủy.

        Hiện nay còn lại rất ít giếng cổ, duy ở một số khu phố cổ vẫn được bảo tồn như di sản, như một số giếng cổ ở phố cổ Hội An. Ở Hà Nội, hiện còn khá nhiều giếng cổ như giếng ở đền Bạch Mã, Hội quán Quảng Đông ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Những chiếc giếng này đều ở bên trái di tích, thuộc hướng Đông, tiếp giáp Hà Khẩu, bến sông trước ngày.  

c.Bài trí nội thất và linh vị

        Trong trang trí nội thất, văn tự cũng không thể thiếu được. Văn tự được khắc trên kiến trúc nhà thờ, thường được viết bằng chữ Hán, như trên giữa  nóc nhà thờ có tên gọi Từ đường dòng họ, như Phạm tộc đường, Trần đại tôn,..

        Thượng lương được viết bằng chữ Hán từ 13, 17, 21, hoặc 25 chữ để cuối câu rơi vào chữ Sinh trong bốn cung (Sinh, lão, bệnh, tử). Chẳng hạn: 越南国歲次癸卯十月十六日良時豎柱上樑大吉旺/Việt Nam quốc tuế thứ Quý Mão thập nguyệt thập lục nhật lương thời thụ trụ thượng lương đại cát vượng (21 chữ). (Giờ lành ngày 16 tháng 10 năm Quý Mão nước Việt Nam đặt thượng lương đại cát vượng).

        Hoặc吉大樑上柱豎時良日六初月十卯癸次歲/Tuế thứ Quý Mão thập nguyệt sơ lục nhật lương thời thụ trụ thượng lương đại cát (17 chữ). Nghĩa là: Giờ tốt ngày mồng 6 tháng 10 năm Quý Mão đặt thượng lương đại cát.

        Câu đầu là mặt dưới hai xà ngang gian giữa, mỗi bên khắc 5 chữ Hán, thường dùng là:

乾元亨利貞: Càn nguyên hanh lợi trinh

富貴壽康寧 Phú quý thọ khang ninh

Nghĩa: Tứ đức Nguyên, hanh, lợi, trinh của quẻ Càn.

             Phù trì cho được Phú, quý, thọ, khang, ninh.

         Hoành phi thường có một bức lớn treo phía trước gian thờ, thường lấy ba chữ là: Phụng tổ đường, hay Đức lưu quang.

         Tuy nhiên, mỗi từ đường dòng họ tùy theo gia thế, địa vị mà xin chữ nghĩa phù hợp với truyền thống tiêu biểu của dòng họ, như dòng họ khoa bảng, chuyên nghề y, hoặc võ quan, hoặc sùng đức, trọng việc thiện….

Hai cột gian giữa treo một hoặc hai đôi câu đối.

Những câu đối hiện đang sử dụng khá phổ biến, đó là: Tổ tông công đức thiên niên thịnh, Tử hiếu tôn hiền vạn đại hưng,…

Tuy nhiên, những gia đình học thức, cầu chữ của thày, thì nội dung câu đối này là những điển cố điển tích là khai quát lịch sử của dòng họ, truyền thống dòng họ. Chẳng hạn, từ đường họ Nguyễn Viết đại tôn làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, vốn là dòng họ khoa bảng, dòng họ quan chức, nên những bức đại tự và câu đối ở đây có nét đặc sắc riêng. Chẳng hạn:

世室Thế thất (Cung thờ các đời), 梁棟元勳 Lương đống nguyên huân (Bậc công đầu trụ cột trong triều), 繼世芳名 Kế thế phương danh (Các đời để lại tiếng thơm), 世科堂Thế khoa đường (Nhà các đời khoa bảng), 教子登科 Giảo tử đăng khoa (Cha con cùng đăng khoa)… Những bức đại tự trên đều có ý nghĩa sâu sắc gắn liền với truyền thống khoa bảng của dòng họ, đề cao đạo học và đạo lý tri ân công đức tiền nhân của các thế hệ kế nối.

Về câu đối nhà thờ Nguyễn Viết Đại Tôn này cũng khá đặc sắc, tiêu biểu là đôi câu đối dài đến 27 chữ, được chia làm hai cột dọc để khắc. Hình thức và trang trí câu đối cũng được làm khá công phu, nét chạm khắc tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao.

始發前黎大顯於陽和景治同朝父子同榜弟兄世繼十餘傳科宦

德教在士民勳業在邊郡朝廷一脉詩書一門相將福留千萬代雲仍

Thủy phát ư Tiền Lê đại hiển ư Dương Hòa Cảnh Trị đồng triều phụ tử đồng bảng đệ huynh thế kế thập dư truyền khoa hoạn

Đức giáo tại sĩ dân, huân nghiệp tại biên quận triều đình nhất mạch thi thư, nhất môn tương tướng phúc lưu thiên vạn đại vân nhưng.

Nghĩa là: Khởi phát từ Tiền Lê, rạng danh thời Dương Hòa, Cảnh Trị cùng triều cha con đỗ đại khoa, anh em kế nối hơn mười đời  đều đỗ đạt

Đức truyền cho sĩ dân, công danh vượt châu quận, triều đình một dòng thi thư, khanh tướng một nhà, phúc lưu vạn đại cháu con.  

Nội dung khái quát truyền thống khoa bảng mở đầu từ thời Tiền Lê, hưng thịnh vào thời Dương Hòa và Cảnh thời Lê trung hưng cha con cùng đăng khoa, anh em kế nối đỗ đạt. Vì đỗ đạt cao nên đường quan chức cũng khá hanh thông, phúc lộc nhiều, lưu truyền cho con cháu.

Rõ ràng là những bức đại tự, câu đối ở nhà thờ Nguyễn Đại Tôn Sơn Đồng là vô cùng phong phú, nội dung sâu sắc gắn liền với đạo lý tri ân tiên tổ, truyền thống khoa cử của dòng họ Đại khoa.

 Bài trí linh vị

Trên ban thờ, linh vị tổ tiên hết sức quan trọng, nếu nhà thờ chỉ có một ban thờ thì chỉ cần một linh vị, có thể thêm ngai thờ. Linh vị thường được viết chung, chẳng hạn như: “Cung phụng Trần tộc lịch đại tiên tổ đẳng chư chân linh chi linh vị 恭奉陳登族歷代先祖等諸真靈之靈位”.

Hai bên nếu có bài vị nữa thì bên tả là bài vị ông Mãnh: “Phục vị Trần môn tổ cô đẳng chân linh chi linh vị 伏為陳登門祖姑等真靈之靈位”. Bên phải là bài vị bà cô: “Phục vị Trần môn mãnh tướng đẳng chân linh chi linh vị 伏為陳登門猛將等真靈之靈位”.

Trường hợp từ đường có nhiều ban thờ, nhiều đời, thì sắp đặt linh vị theo nguyên tắc chung theo hàng ngang là Tả chiêu hữu mục. Nghĩa là: Giữa là linh vị Tổ, bên trái (trong nhìn ra, phải ngoài nhìn vào) là Tả đặt vị hàng chiêu (số chẵn: đời thứ 2, thứ 4, thứ 6, thứ 8…); ngược lại, bên phải (trong nhìn ra, trái ngoài nhìn vào) là Hữu đặt vị hàng mục (số lẻ: đời thứ 3, thứ 5, thứ 7, thứ 9…).

Chẳng hạn, bài trí ban thờ họ Nguyễn Viết đại tôn làng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội có ba gian thờ, gian giữa thờ vị tổ của dòng Nguyễn Viết đại tôn, đó là hai vị tổ đời thứ 7 và thứ 8:

Tứ Canh Thìn khoa Tiến sĩ Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Quốc Tử giám Tế tửu Phượng Lĩnh tử phong tặng Công bộ Hữu Thị lang Nguyễn tướng công tự Tuy Phúc tứ thụy Thuần Đạo đệ tứ Thần chủ.

Tứ Giáp Thìn khoa Tiến sĩ Đệ nhị giáp Bính Thìn khoa Đông Các đệ nhị danh Tham tụng Hình bộ Thượng thư tặng Lại bộ Thượng thư Mai Sơn tử, truy tặng Thiếu bảo Mai Quận công tự Từ Tông, tứ húy Trung Cần Thần chủ.

Các tổ đời thứ 9 trở đi được sắp xếp ở hai gian bên. Bên cạnh các vị tổ khảo (cụ ông) là Thần chủ của các tổ tỉ (cụ bà).

Tóm lại

       Từ đường hay nhà thờ dòng họ truyền thống được xây dựng phổ biến tại các làng xã người Việt vùng Bắc, Trung Bộ nước ta. Nhà thờ họ là công trình xây dựng gắn liền với ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự trang nghiêm, kính trọng trong việc thờ cúng trong dòng họ. Từ đường không chỉ làm nơi thờ cúng tâm linh, thờ cúng ông bà tổ họ, mà còn là nơi để con cháu sau này nhớ đến cội nguồn của dòng họ mình. Kiến trúc và bài trí trong nhà thờ, nếu kết hợp được với cách bố trí Phong Thủy tốt, thì ngôi từ đường đó thực sự là đất phúc, sản sinh cát tường.

.