CON GÁI THỜ CÚNG BỐ MẸ

CON GÁI THỜ CÚNG BỐ MẸ

                                                                   Lê Nguyên Hợp

 Phụ hệ, Phụ quyền

Theo các truyền thuyết dân gian và sau đó được các sử gia đời Trần ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái, truyện Hồng Bàng thị: Chế độ phụ quyền, phụ hệ đã được xác lập từ trước thời các Vua Hùng.

Truyện Hồng Bàng thị: Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, (khi đã) sinh ra Đế Nghi, đi tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu mến nên cưới về, sinh ra Lộc Tục; Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha trị nước. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh trăm trứng đều “nở” thành trăm con trai. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu, suy tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; đời đời cha truyền con nối, thay đời truyền cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương, không đổi.

Như vậy, ngay từ thời Kinh Dương Vương Lộc Tục (là cháu bốn đời họ Thần Nông) đã theo chế độ phụ hệ, cha truyền, con nối. Tới ngày các Vua Hùng lên ngôi trị vì, chế độ phụ quyền, phụ hệ trong các gia đình Lạc Việt đã khá vững chắc. Từ khi đó, vai trò của người phụ nữ chỉ còn giới hạn trong công việc gia đình, họ bị tách biệt gần như hoàn toàn khỏi đời sống xã hội. Việc một vài người phụ nữ biết chữ, làm nữ quan trong triều là cực kỳ hiếm, cực kỳ đặc biệt.

Phong tục thờ cúng theo phụ hệ

Theo phụ hệ, con cái đều mang họ cha. Người lo việc đối ngoại và điều hành công việc, đảm bảo kinh tế gia đình cũng là người cha. Với xã hội, chỉ con trai mới được đi học, làm quan. Ngay cả việc cúng tế tổ tiên dòng họ cũng do người đàn ông chủ gia đình chịu trách nhiệm. Điều đáng nói là bàn thờ của mỗi gia đình đều chỉ thờ tổ tiên, ông cha của bên Nội, tức là bên nhà người đàn ông. Đối với người Việt (Kinh) và cả các dân tộc anh em trên núi cao, thờ cúng tổ tiên, ông bà là việc làm hết sức quan trọng. Việc thờ cúng đã gắn kết các thành viên trong gia đình, họ tộc; nhắc nhở và giáo dục cho lớp con cháu nhớ đến cội nguồn. Nhà nhà đều thực hiện việc thờ cúng tổ tiên vào các ngày giỗ chạp, tết nhất, ngày sóc, ngày vọng. Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự tưởng nhớ cội nguồn, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn tiền nhân một cách tự nguyện, không buộc phải tuân theo một giáo điều, một sự áp đặt nào, dù nhà Lê đã có quy định về thờ cúng trong Bộ luật Hồng Đức hay nhà Nguyễn quy định trong Thọ Mai gia lễ. Thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ trong gia đình Việt mang tính giáo dục rất cao. Quy ước con trưởng giữ giỗ, các con trai thứ và các con gái (gồm cả con dâu và con rể) có trách nhiệm góp giỗ và tham gia tổ chức ngày giỗ cho trang trọng. Trong những gia đình mà trai trưởng có uy tín thì việc các em tụ họp ở nhà anh cả để cúng giỗ là hợp lý, là dịp để gắn kết bền chắc hơn tình anh em một nhà. Với những dòng họ mà các bậc chú bác, cô dì vẫn còn thọ thì anh em, con cháu phải biết vai vế từng người để xưng hô, ứng xử cho đúng phép, đặc biệt là trong các dịp giỗ chạp mà các bậc cao niên này có mặt. Ngày giỗ cũng là ngày con cháu trong nhà tụ họp, chuyện trò cùng ôn lại những kỷ niệm buồn vui ngày xưa khi còn ông bà, cha mẹ.

Không gian thờ cúng

Để thực hành việc thờ cúng, dù khuôn viên lớn hay nhỏ thì gia đình nào cũng có một bàn thờ. Bàn thờ luôn được đặt ở vị trí trang trọng. Với những ngôi nhà truyền thống 3 gian 2 chái thì bàn thờ đặt tại gian chính giữa. Với nhà nhiều tầng thì bàn thờ thường đặt ở tầng trên cùng, thường là có gian thờ riêng. Đối với căn hộ chung cư thì bàn thờ được đặt ở khu vực phòng khách. Điểm chung nhất, kiêng kỵ nhất là không được đặt bàn thờ dựa lưng vào phòng vệ sinh, không đối diện với cửa phòng  bếp, không đặt dưới gầm cầu thang, cạnh lối đi chung. Bàn thờ thường được đóng theo kích thước Lỗ Ban – âm trạch (Lỗ Ban là ông tổ nghề mộc, người nước Lỗ thời Chiến quốc bên Tầu) và tùy vào không gian dành cho khu thờ phụng mà gia chủ sẽ chọn kích thước bàn thờ cho phù hợp. Bây giờ thì các nhà sản xuất đồ thờ cúng đã làm sẵn các bàn thờ nhiều kích cỡ, theo kích thước Lỗ Ban để người mua lựa chọn. Kích thước của bàn thờ gia tiên phù hợp với nhiều gia đình hiện nay là: Cao 1270 mm (cung Vượng), mặt bàn thờ Rộng 810 mm (cung Đinh: Phúc tinh, Cấp Đệ, Tài vượng, Đăng khoa), Dài 1970 mm (cung Đinh). Tùy theo kích thước to nhỏ của bàn thờ gia tiên mà có thể có các cách sắp đặt đồ thờ cúng khác nhau. Nếu nhìn từ ngoài vào bàn thờ, di ảnh của ông bà, bố mẹ được đặt phía trong nhất và phía sau các bát hương. Di ảnh (hoặc bài vị) được sắp xếp theo đúng thứ bậc của các vị đã khuất. Vị có vai vế cao nhất sẽ đặt ảnh phía trên cao nhất, những vị vai vế thấp hơn sẽ đặt ảnh theo thứ tự thấp dần và cũng phải theo quy ước: Nam tả (bên Trái), Nữ hữu (bên Phải), nếu nhìn từ bàn thờ ra phía ngoài. Tiếp đó là một bộ Tam sự (Đỉnh hương, hai giá nến hoặc hai chim Hạc) hoặc bộ Ngũ sự (Đỉnh hương, hai giá nến và hai chim Hạc). Bên trái bộ ngũ sự là bình hoa cúng, bên phải là đĩa ngũ quả. Hàng thứ ba là ba bát hương (Bát hương thờ thần linh đặt chính giữa; bên Hữu (bên phải nhìn từ trong ra) là bát hương thờ tổ tiên, ông bà; bên Tả (bên trái nhìn từ trong ra) là bát hương thờ bà Cô, ông Mãnh. Trước bát hương chính giữa là ngai chén, thường là 3 chén nhỏ có nước hoặc rượu. Nếu là bàn thờ họ, có không gian rộng thì các đồ thờ cúng sẽ có kích thước lớn hơn. Gian thờ còn có thể có hoành phi, câu đối. Bàn thờ có thể có 3 tầng để có nhiều chỗ đặt di ảnh, bài vị của các chi trong họ. Nhưng đại thể thì vẫn như bàn thờ gia tiên của từng nhà. Gian thờ to hay nhỏ, đồ thờ bằng sứ hay bằng đồng … tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi dòng họ, mỗi gia đình nhưng trên hết vẫn là tâm thành của con cháu đối với tổ tiên, không chỉ trong ngày thờ mà trong mọi ngày, với mọi người và đặc biệt là Tâm của người đại diện gia đình, dòng họ.

Con cháu với chữ Hiếu

Người xưa (gồm cả người Kinh và các dân tộc ít người trên đất Việt) cho rằng chỉ có con trai, con trưởng mới có quyền đứng vai chính để thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Con trai thứ sẽ thờ vọng, để tới ngày giỗ chạp thì phải tụ tập về nhà trai trưởng làm giỗ. Con trai thứ chỉ được quyền thờ thần linh, tổ nghề mà không thờ cha, mẹ. Do quan niệm được hình thành từ nhiều đời: Thuyền theo lái, gái theo chồng; rồi ảnh hưởng từ văn hóa Hán: Trọng nam, khinh nữ. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Vì thế mà những gia đình sinh một bề con gái được (bị) người đời gọi là: Cụt ngọn, tức là không có người nối dõi, không có người chống gậy trong đám tang ma bố mẹ. Người con gái khi về nhà chồng là không có nơi thờ cúng tổ tiên, bố mẹ mình (con gái là con người ta), thậm chí chẳng còn cơ hội quay về thăm khi bố mẹ mình còn sống nữa. Đây chắc hẳn là nỗi ẩm ức, day dứt của không ít người phụ nữ xưa cũng như nay. Quan niệm “một nhà không thờ hai họ” của người chồng, của các ông chú, bà bác nhà chồng chính là rào cản kéo dài nhiều đời đối với việc thờ cúng bố mẹ đẻ của những người vợ. Những tưởng quan niệm cổ hủ này chỉ nặng nề ở những vùng quê hẻo lánh, ai ngờ còn không ít những anh chồng tuổi thì trẻ mà “sạn cổ hủ” thì già. Sống trong những gia đình này, người vợ chỉ như chiếc bóng của chồng, mong gì đến việc thờ cha đẻ, thờ mẹ đẻ của mình.

Với người phương Đông, người có hiếu là người có trách nhiệm lập danh, dương danh gia tộc, là người có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi còn sống, hương khói thờ cúng khi cha mẹ qua đời. Phật giáo, Nho giáo nói khá nhiều, khá cặn kẽ về đạo Hiếu. Nhưng hình như cả Phật giáo và Nho giáo đều không nói là chỉ có người con trai mới được thực hành chữ Hiếu. Vậy thì, người có hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ không hề có sự phân biệt giữa con trai hay con gái. Hiếu kính cha mẹ không phải là đặc quyền của đàn ông.

Thờ ai, ai thờ và thực hành việc thờ cúng như thế nào đều là do người đời tự đặt ra và lâu dần người ta lại tự lệ thuộc vào những ước lệ đó. Chẳng hạn, nhà nào cũng lễ cúng thổ địa, thổ công, thổ kỳ nhưng đó không phải là thần linh của riêng từng gia đình. Mà đã thần linh chung của mọi nhà thì chẳng lẽ thần linh lại ngăn cản việc hai họ thờ chung các thần linh trong cùng một nhà? Nhưng, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì có khác. Tính cách gia trưởng, bảo thủ, ích kỷ, không biết nghĩ cho cảm xúc của người khác đã sâu rễ, bền gốc trong hầu hết các gia tộc, trong hầu hết những người đàn ông, thậm chí ở cả những người đàn bà của các họ tộc có con trai. Với họ, việc bàn thờ của dòng họ, gia đình chỉ thờ bên nội là đương nhiên. Họ không biết rằng một nửa dòng máu của họ là của mẹ, của bên ngoại. Họ quên mất rằng người giữ hương lửa cho dòng họ mình trong mọi hoàn cảnh gian nan, khốn khó chính là những người mẹ, người vợ mà vẫn gọi là bên Ngoại. Vì quan niệm nội ngoại, vì quên cái gốc bền của hương lửa mà bao đời nay, không có gia đình nào thờ bố mẹ vợ cả.

Đề cập đến vấn đề con gái thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà chồng là rất phức tạp, không hề dễ giải quyết nếu người chồng là trai trưởng, lại là trưởng họ và nắm quyền kinh tế. Càng nặng nề hơn nếu gia đình này vẫn ở làng, ở xã. Khi này, việc duy trì tục lệ cúng giỗ của trưởng họ phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến của các bậc già cả trong họ. Với những họ nghèo, ít đinh sẽ rất khó có nhà thờ họ. Trên bàn thờ nhỏ hẹp, đưa bát hương, bài vị hoặc di ảnh của bên ngoại vào thật khó có chỗ để sắp xếp. Với những họ lớn, kinh tế khá giả thì thường có nhà thờ họ với gian nhà riêng để thờ tổ tiên, tiền nhân. Phần lớn với các họ này, vướng mắc không phải là gian thờ không đủ rộng mà là quan niệm “thờ họ” bị bó hẹp, bó chặt: Nếu đưa họ ngoại của trưởng tộc vào cùng thờ thì họ ngoại của các chi họ khác có được đưa vào thờ chung không? Họ càng lớn thì bên ngoại của các gia đình càng nhiều dòng. Thờ ai, không thờ ai sẽ là cuộc tranh cãi không hồi kết, thậm chí còn làm rạn nứt sự đoàn kết của dòng họ nếu đó là ý kiến của trưởng họ đưa ra.

Con gái thờ cúng bố mẹ

Sau 100 năm đấu tranh cho nữ quyền ở Việt Nam và khi cuộc sống được cải thiện thì quan niệm, suy nghĩ về vai trò của người phụ nữ cũng có nhiều thay đổi trong giới đàn ông. Nhiều gia đình trẻ khi sinh con đã đặt cho con họ kép (gồm họ cha và họ mẹ): Lê Vũ, Đặng Trần, Bùi Hoàng … Vai trò của người mẹ trong giáo dục con cái vốn đã lớn nay càng lớn hơn, cùng với đó là vai trò kinh tế của người vợ, người mẹ cũng đã rất quan trọng. Thậm chí trong nhiều gia đình, người vợ còn nắm quyền quyết định về kinh tế (kiếm tiền và tiêu tiền). Do chủ động về kinh tế, nhiều người vợ đã chủ động bàn bạc về ước muốn của những gia đình không có con trai rất mong mỏi được con gái hương khói cúng thờ và việc cùng thờ cúng cha mẹ của hai bên nội ngoại. Vấn đề này khá thuận lợi nếu người chồng là trai thứ hoặc là trai trưởng của người bố là trai thứ; nếu nhà của cặp vợ chồng trai thứ là căn hộ chung cư ngoài phố. Trong những gia đình này, nếu gian thờ rộng rãi thì có thể đặt hai bàn thờ và vẫn theo quy ước Nam tả (trái), Nữ hữu (phải): Bàn thờ họ Nội bên Trái, bàn thờ họ Ngoại bên phải, nếu nhìn từ giữa hai bàn thờ ra phía ngoài. Trường hợp nhà chật hẹp thì có thể chung một bàn thờ và sắp xếp di ảnh hai bên cũng theo quy ước Nam tả (trái), Nữ hữu (phải): Di ảnh họ Nội bên Trái, di ảnh họ Ngoại bên phải, nếu nhìn từ bàn thờ ra phía ngoài. Với những gia đình mà người chồng, người vợ cung kính, đối xử với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ thì có thể sử dụng chung chỉ một bộ đồ thờ cúng cho cả hai bên nội, ngoại. Xử lý hài hòa việc thờ cúng bên ngoại càng làm sâu sắc, bền chặt hơn tình cảm trong mỗi gia đình. Đối với những cặp vợ chồng sống chung với bố mẹ chồng, vai trò của người chồng là rất lớn, rất cần thiết trong việc thuyết phục dần dần các cụ về mong muốn thờ cúng chung. Với người vợ, thuyết phục dần bằng lời nói, bằng việc làm thông qua cách ứng xử như con đẻ để các cụ không còn phân biệt con gái, con dâu nữa.  Ngay cả khi các cụ đã đồng ý, đã chấp nhận rồi thì người vợ cũng rất cần có ý trong khi thắp hương thờ cúng. Rất nên thắp hương trên bàn thờ họ nội trước rồi mới thắp hương bên ngoại, kể cả khi là ngày giỗ của bên ngoại. Những hành vi rất nhỏ nhưng sẽ được các cụ bên chồng để ý và sẽ hài lòng vì có được người con dâu hiếu thảo, ý tứ.

Vấn đề là thay đổi nhận thức

Vấn đề “thờ ai, ai thờ” nằm ở quan niệm về phong tục thờ cúng. Phong tục là thói quen, là nếp sống được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội, từ hoạt động đời sống của con người và được truyền từ đời này sang đời khác, được cộng đồng công nhận. Xã hội biến đổi, những thói quen của cuộc sống cũ cũng sẽ thay đổi để nhường cho những nếp sống mới được hình thành. Những phong tục cũ mà vẫn phù hợp với cuộc sống mới thì sẽ tiếp tục tồn tại, không phù hợp sẽ dần bị đào thải. Tuy vậy, vẫn có những phong tục cũ đã lỗi thời, trở thành lực cản đối với tiến bộ xã hội nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong một vài nhóm người, một vài địa phương hoặc vẫn tồn tại trong quan niệm của rất, rất nhiều người: Chẳng hạn như tục xin xăm, bói quẻ. Chẳng hạn tục “trọng nam khinh nữ”, “ở rể như chó chui gầm chạn” … Những phong tục lỗi thời đó chính là những hủ tục. Phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà là một phong tục tốt đẹp, tiến bộ của dân tộc ta. Nhưng trong phong tục thờ cúng, quy ước không thờ họ ngoại lại là một hủ tục đã tồn tại hàng ngàn năm.  Hủ tục (vốn là các phong tục tiến bộ của một thời) không phải là những quy định bất biến. Các hủ tục vẫn có thể thay đối nếu những người đang sống tại nơi tồn tại những hủ tục được tuyên truyền, giáo dục một cách kiên trì, hợp lý. Khi một phong tục nào đó đã trở thành hủ tục thì xã hội cần phải bãi bỏ. Nhưng việc dùng luật pháp và các biện pháp hành chính không mang lại nhiều tác dụng để điều chỉnh nhận thức.

Hành vi của con người là sự thể hiện bên ngoài của nhận thức. Do vậy, muốn con người thay đổi hành vi thì phải làm cho họ thay đổi nhận thức. Khi họ đã có nhận thức khác thì sẽ có hành động khác phù hợp. Vì vậy, biện pháp hiệu quả nhất và có tính quyết định chính là tuyên truyền, giáo dục để người ta hiểu rằng, đó là những hành vi sai trái, không phù hợp với thời cuộc, với đạo đức mới để họ từ bỏ. Việc tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức về thờ họ Ngoại nên và cần bắt đầu đối với lớp người trẻ tuổi, với những người có quan niệm sống cởi mở hơn, hiện đại hơn. Lớp người này sẽ tuyên truyền, tác động để dần dần thay đổi nhận thức của những người già cả, của những người cổ hủ hơn trong nhận thức về việc thờ họ ngoại trong nhà nội. Công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức trong phong tục thờ cúng cần phải làm thường xuyên, trên mọi phương tiện truyền thông, với sự tham gia của mọi giới, mọi tổ chức. Quan trọng nhất là phải có hình thức tuyên truyền phù hợp từng hoàn cảnh, từng vùng miền, có nội dung phong phú và không cứng nhắc, áp đặt người nghe. Cần kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Tuyên truyền, giáo dục, đó mới chính là cách giải quyết vấn đề “thờ họ ngoại trong nhà nội” một cách căn cơ./.

 

===============================================================

Lê Nguyên Hợp

Nguyên Phó Vụ trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Đ/c: số nhà 9, ngõ 2, phố Hàng Khoai, Đồng Xuân,Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 0912 011 816