GIẢI MÃ MỘT SỐ BIỂU TƯỢNG TRONG KHÔNG GIAN THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI GIÁO PHẬN BÙI CHU

                                                                        Đỗ Trần Phương – CN. Bùi Văn Hài

Kể từ khi Công giáo được truyền vào Việt Nam năm 1533 tại Quần Anh, Trà Lũ, Nam Định, đến nay Công giáo Việt Nam đã có lịch sử gần 5 thế kỷ. Công giáo xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn nhiều so với một số tôn giáo mà người Việt đã tiếp nhận và gắn bó.

Trong bài viết này, tác giả xin giải mã một số biểu tượng trong không gian thực hành đức tin của người Công giáo tại gia đình, một không gian thể hiện sự kết hợp giữa đức tin và đời sống văn hóa bản địa. Đó cũng chính là sự tiếp biến vào giao lưu văn hóa giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam.

  1. Không gian thờ cúng của người Công giáo tại giáo phận Bùi Chu

1.1. Không gian bàn thờ Thiên Chúa

Đối với người Công giáo, Thiên Chúa chính là trung tâm của đời sống đức tin, là Đấng họ tôn thờ và đặt trọn niềm tin. Việc tôn thờ Thiên Chúa không chỉ được diễn ra tại nhà thờ (trung tâm của đời sống đức tin, “Nhà cầu nguyện”) mà còn được diễn ra trong không gian sinh sống của mỗi gia đình trong cuộc sống hàng ngày. Để có một nơi, giúp các tín hữu có thể cầu nguyện tại nhà, Giáo hội đã cho phép và hướng dẫn giáo dân có thể đặt bàn thờ Thiên Chúa.

Bàn thờ Thiên Chúa là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Người Công Giáo, bắt nguồn từ đức tin và lòng đạo đức bình dân. Thông qua bàn thờ Thiên Chúa, mọi người trong gia đình có thể quy tụ để đọc kinh, cầu nguyện hàng ngày, hướng tâm hồn mình lên Thiên Chúa, cầu xin ơn bình an và ơn thánh hóa để hướng dẫn gia đình họ trong cuộc sống trần gian.

Mỗi gia đình tùy theo diện tích, nhu cầu và hiện trạng thực tế có thể thiết kế và đặt bàn thờ Thiên Chúa sao cho phù hợp nhất. Vị trí của bàn thờ Thiên Chúa thường được lắp đặt tại vị trí cao nhất, đẹp nhất, trang trọng nhất tại phòng khách hoặc trong một phòng thờ riêng trên tầng thượng. Trong ngôi nhà 5 gian truyền thống quay về hướng nam, bàn thờ Thiên Chúa thường được đặt tựa lưng vào tường ngăn buồng phía đông, quay sang hướng tây, bởi vì người Công giáo quan niệm rằng: Vào mỗi buổi sáng sớm khi nhìn lên bàn thờ Thiên Chúa để cầu nguyện là nhìn về hướng đông, là hướng biểu trưng cho ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu.

Tất cả các bàn thờ Thiên Chúa tại các gia đình Công giáo dù được bài trí cầu kỳ hay đơn giản đều phải đặt tượng Chúa Giêsu ở chính giữa và ở vị trí cao nhất. Đa phần các gia đình Công giáo thường lựa chọn tượng Chúa Giêsu chịu nạn hay còn gọi là Thánh giá, ngoài ra cũng có gia đình lựa chọn tượng Chúa khải hoàn, Chúa Kitô vua,…Tượng Đức Mẹ Maria thường sẽ đặt bên phải, thấp hơn tượng Chúa Giêsu, với những biểu tượng như: Đức Mẹ Mân côi, Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ La Vang,…Bên trái nhiều gia đình sẽ đặt tượng Thánh Giuse (người thợ mộc, cha nuôi của Chúa Giêsu), nhiều gia đình thay vì đặt tượng thánh Giuse họ sẽ đặt tượng vị thánh quan thầy của giáo xứ, giáo họ hoặc của chính gia chủ. Việc đặt Tượng Đức Mẹ bên phải còn tượng thánh Giuse, hay một vị thánh nào đó tại các gia đình người Công giáo tại giáo phận Bùi Chu hay các giáo phận khác tại Việt Nam cũng có ảnh hưởng từ quan niệm “nam tả nữ hữu” của người Việt.

1.2. Không gian bàn thờ tổ tiên

Đối với người Công giáo, việc tôn kính ông bà tổ tiên là một trong những bổn phận tự nhiên vô cùng quan trọng mà Thiên Chúa đòi hỏi con người phải thực hiện. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong những đoạn văn Kinh Thánh: trong sách Xuất hành, Thiên Chúa còn ban luật rõ: “Kẻ nào đánh đập hoặc nguyền rủa cha mẹ mình, kẻ ấy tất phải chết”, “Hãy tôn kính cha mẹ để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Xh 20, 12; 21. 15,17). Chúa Giêsu dạy: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). Thánh Phaolô cũng khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

Khi đạo Công giáo được truyền bá vào Việt Nam đã diễn ra một quá trình giao lưu và tiếp biến với văn hóa bản địa. Điều này được thể hiện thông qua các hoạt động thờ cúng tổ tiên của người Công giáo, mang những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong đó việc bài trí bàn thờ tổ tiên của người Công giáo là một trong những điển hình. Trong Quyết nghị ngày 14/11/1974, Hội đồng Giám mục Nam Việt Nam về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, điều đầu tiên có khẳng định rất rõ việc việc đặt bàn thờ tổ tiên: “1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.” Như vậy, vị trí của bàn thờ tổ tiên luôn thấp hơn bàn thờ Thiên Chúa và những biểu tượng bài trí trên bàn thờ tổ tiên không mang yếu tố mê tín.

Bàn thờ tổ tiên của người Công giáo tại giáo phận Bùi Chu đa phần được bài trí khá đơn giản: Bàn thờ được đặt dưới bàn thờ Thiên Chúa, hoặc một địa điểm khác trong phòng nhưng luôn thấp hơn bàn thờ Thiên Chúa. Trên bàn thờ thường có di ảnh của người quá cố, phía dưới là bát hương, hai bên bài trí thêm hai bình hoa. Trên bàn thờ có thể đặt thêm mâm hoa quả, nhưng chỉ là hành vi tôn kính không mang ý nghĩa tổ tiên sẽ hưởng dùng những thứ đó. Nhiều gia đình có điều kiện còn bài trí thêm bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên. Trong những dịp lễ tết, giỗ chạp con cháu quy tụ về để thắp những nén hương, dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên được về Thiên đàng, bày tỏ lòng tôn kính đối với ông bà cha mẹ, những người đã ra đi trước chúng ta.

  1. Giải mã một số biểu biểu tượng trong không gian thờ cúng của người Công giáo tại giáo phận Bùi Chu

Trong bài viết này, chúng tôi không giải mã biểu tượng trong không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt bởi lẽ sẽ có rất nhiều bài đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi chỉ giải mã một số biểu tượng gắn với văn hoá Công giáo trong không gian thờ cúng của người Việt.

2.1. Thánh giá (Cross)

Trước khi trở thành biểu tượng chính, biểu tượng cây Thập giá hiện lên là hình ảnh của sự chết chóc, đau thương, một sự hành hình vô cùng khủng khiếp. Tuy vậy, sau khi đã trở thành một biểu tượng của Công giáo thì cây Thập giá đã mang trong nó những lớp ý nghĩa hoàn toàn khác so với ý nghĩa ban đầu của nó.

Ý nghĩa lớn nhất của biểu tượng cây Thánh giá đối với người Công giáo đó chính là Đức Giêsu đã hy sinh cả mạng sống của mình để chuộc tội lỗi của loài người. Với người Công giáo đây là biểu tượng tập trung và phổ biến nhất ơn “cứu độ muôn đời”. Cây Thánh giá là một biểu tượng thiêng liêng của người Công giáo, người Công giáo có thể chết chứ không bao giờ có hành động bôi nhọ cây Thánh giá và họ luôn luôn ra sức để bảo vệ cho sự tôn nghiêm của cây Thánh giá.

2.2. Đức Chúa Giê-su

Trong tiếng Hip-ri, một ngôn ngữ Do-thái cổ, danh thánh “Giê-su” có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Khi truyền tin, Thiên thần Gáp-ri-en gọi tên người là Giê-su, danh xưng này vừa diễn tả căn tính, vừa diễn tả sứ mạng của Người.

Danh xưng Giê-su cho thấy chính danh thánh Thiên Chúa hiện diện trong con người Chúa Con, Ngôi hai, Đấng xuống thế làm người để cứu chuộc mọi nhân loại khỏi tội cách dứt khoát. Danh xưng Giê-su là danh xưng thần linh, danh xưng duy nhất mang lại ơn cứu độ. Đây là một trong những quan niệm thần học cơ bản của đạo Công giáo.

          Còn hồng danh “Kitô” là phiên âm một từ Hy lạp dịch từ tiếng Hy-pri là “Mê-si-a” nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Danh xưng này trở thành tên riêng của Đức Giê-su vì Ngài đã chu toàn tuyệt hảo sứ mạng thần linh bao hàm trong danh xưng đó.

– Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô là biểu tượng về mầu nhiệm cứu chuộc.

Hội thánh Công giáo đã khẳng định: “Ơn cứu chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ trên cây Thánh giá, nhưng mầu nhiệm này đã hoạt động trong toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô.” [1, tr.199]

          Đức Chúa Giê-su đến để giải thoát, cứu chuộc con người khỏi nô lệ của tội lỗi: “Khi giải thoát một số người khỏi những đau khổ đời này như đói khát, bất công, bệnh tật và cái chết, Đức Giê-su chứng tỏ Người là Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, Người không đến để tiêu diệt mọi khổ đau ở trần gian này, nhưng để giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ lầm than nhất, đó là nô lệ tội lỗi. Thứ nô lệ này ngăn cản họ làm con Thiên Chúa, cũng như gây ra mọi hình thức nô lệ hoá con người.” [1, tr.212]

– Biểu tượng về sự mẫu mực thánh thiện

Ngôi Lời đã làm người để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta. Đức Chúa Giê-su chính là một biểu tượng về sự mẫu mực mà mọi người Công giáo đều noi theo: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và học gương tôi. Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. [1, tr.177] và “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” [Ga,15,12]

          Đức Chúa Giê-su luôn coi trọng việc thực hành chân lý để những lời Ngài nói bám rễ được vào trong cuộc sống

Đức Chúa Giê-su luôn dang rộng cánh tay thu nhận cả những hạng người xấu xa nhất mà xã hội khinh ghét. Khi thấy Đức Chúa Giê-su ăn uống cùng với bọn người thu thuế những người Phi-la-sêu hỏi các môn đệ của Ngài: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy? Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi lòng công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” [Mt, 8,11-13]. Qua câu chuyện đó chúng ta thấy rằng, sứ mạng cao cả của Đức Chúa Giê-su là nhập thể thành ngôi hai để cứu chuộc những người tội lỗi.

2.3. Đức mẹ Ma-ri-a

Đức Mẹ Ma-ri-a có nhiều danh xưng khác nhau. Danh xưng mang tính hoàn vũ, nghĩa là tất cả các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới đều hiểu biết được mầu nhiệm, ý nghĩa mỗi danh xưng. Các danh xưng đó là: Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Mẹ cầu nguyện, Mẹ ban ơn, Mẹ sầu bi, Mẹ hằng cứu giúp, Mẹ Triều Thiên, Mẹ Mân Côi. Một số danh xưng của Đức Ma-ri-a mang tính địa phương rồi lan truyền ra nhiều dân tộc theo Công giáo như: Mẹ Lộ Đức (Pháp); Mẹ Phatima (Bồ Đào Nha). Một số danh xưng của Đức Ma-ri-a chỉ xuất hiện ở Việt Nam như: Mẹ Trà Kiệu, Mẹ Bãi Dâu, Mẹ La Vang. Mẹ Ma-ri-a rất gần gũi trong đời sống của người Công giáo cho nên đối với các tín hữu. Đức mẹ là tập hợp của các biểu tượng.

– Biểu tượng về đức tin và đức ái của Hội thánh

Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà mẹ kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập giá. Đức Ma-ri-a tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Đức mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời…Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian.

Chính Đức Mẹ Ma-ri-a đã nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” và chấp nhận hoàn toàn mọi thứ do Thiên Chúa sắp đặt. Thông qua Tin mừng theo Thánh Lu-ca ta có thể biết điều đó: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được 6 tháng,…. Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi. [Lc, 1,26-38]. Kể từ lúc ấy, Đức Mẹ Ma-ri-a đã nguyện trọn đời hiến dâng cho Thiên Chúa.

Theo TS. Nguyễn Hồng Dương trong cuốn “Nghi lễ và đời sống Công giáo”, ở Việt Nam Mẹ Ma-ri-a có xu hướng chuyển hoá niềm tin nơi Đức Ma-ri-a theo một quan niệm Nữ Thần và là biểu tượng cho sự che chở, sự ban ơn, sự sinh sôi.

– Biểu tượng cho sự che chở

Trong khó khăn, khi gặp hoạn nạn, các giáo sĩ cũng như các tín đồ đều đến cầu xin Đức Ma-ri-a che chở. Thể hiện rõ nhất là thời kỳ đạo Công giáo bị nhà nước phong kiến Việt Nam ngăn cấm, mỗi lần bị vây bắt, bị tàn sát, các giáo sỹ và tín đồ đều cầu xin sự che chở cứu khổ cứu nạn của Đức Ma-ri-a.

– Biểu tượng về sự ban ơn

Tín đồ Công giáo tìm đến Đức Ma-ri-a để xin được ban ơn toại nguyện trong cuộc sống hàng ngày: No đủ, buôn may bán đắt, bình an, đi lại an toàn. Một ví dụ về việc cầu xin đức Ma-ri-a ban ơn được thể hiện trong Ca vè xây cất đền Thánh Phú Nhai (1916-1924) với nhiều câu nhắc đến phù trì, ban ơn

Bạc tiền chưa có là gì

Chỉ trông Đức Mẹ phù trì khi nay

Mọi người vui vẻ ra đi

Cậy trông Đức Mẹ phù trì khi nay

Vì ơn Đức Mẹ nhiệm mầu

Khắp hoà trên dưới cùng nhau một lòng

ắt là Đức Mẹ mở lòng

Ban ơn giúp sức ta trong hội này

– Biểu tượng cho sự sinh sôi:

Hình tượng về mẹ là hình tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Người mẹ muộn mằn về đường con cái tìm đến Đức Ma-ri-a – Mẹ cầu xin cho được sinh con đẻ cái. Con trẻ sinh ra khó nuôi, nhiều gia đình vùng đồng bằng Bắc Bộ đã đem “bán” con trẻ cho Mẹ. Khi trẻ 13 tuổi thì làm lễ xin về. Đây chính là hình thức “bán khoán” trẻ vào đền phủ hoặc chùa vẫn thường thấy ở người Việt không Công giáo.

– Biểu tượng về sự chịu đựng những thương đau tột cùng

Lòng mộ đạo của các tín hữu tập trung trước hết vào cảnh nát lòng mà Đức Trinh Nữ Ma-ri-a phải chịu trong ngày Chúa CứuThế chịu nạn. Họ suy ngẫm những nỗi đớn đau của mẹ. Khi mẹ gặp Chúa Giê-su, con Mẹ, vai vác Thánh giá, lúc Mẹ trên đỉnh Canvê đứng dưới chân Thánh giá suốt ba giờ hấp hối của Chúa Giê-su, và khi Mẹ dự cuộc mai táng Chúa Giê-su. Thực sự trong đời Mẹ đầy những thương đau. Chúng ta có thể biết được điều này thông qua 7 sự thương khó của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a

III. Kết luận

Mọi tôn giáo khởi đầu đều là tôn giáo địa phương, tôn giáo ấy chỉ trở thành tôn giáo thế giới khi nó được truyền bá trên nhiều miền đất khác nhau của địa cầu, đến 5 châu 4 biển. Việt Nam là một quốc gia đã tiếp nhận nhiều tôn giáo thế giới. Các tôn giáo thế giới khi truyền bá vào Việt Nam đều chọn cách hội nhập văn hóa để tồn tại và phát triển. Phật giáo khi truyền bá vào Việt Nam đã rất khôn khéo khi kết hợp và dung hòa với tín ngưỡng thờ thần tự nhiên của người Việt (Mây, Mưa, Sấm, Chớp – Vân, Vũ, Lôi, Điện) để thành ra các vị Phật (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).

Nho giáo truyền bá vào Việt Nam cũng hội nhập rất tốt với văn hóa bản địa, những phạm trù đạo đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người quân tử được khéo léo dung hòa vào đời sống của làng xã, đời sống trong gia đình tạo ra những hệ giá trị mang bản sắc Việt Nam. Từ đó, trở thành một khuôn mẫu trong xã hội cũng như các gia đình Việt Nam qua các thời kì.

Sự hội nhập văn hóa Công giáo vào văn hóa Việt Nam chắc chắn cũng là một xu hướng tất yếu, và một trong những thành công nhất của hội nhập văn hoá công giáo đó chính là sự hội nhập với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và đã tạo nên một không gian thờ cúng để người Công giáo vừa có thể tôn thờ Chúa và tôn kính tổ tiên ./.