HỘI THẢO KHOA HỌC KHÔNG GIAN THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT – TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI

Hoàng Thăng Long

Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến Trúc Phong Thủy

Thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng khá phổ biến ở ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ở Việt Nam, do đặc điểm của quốc gia có nhiều dân tộc anh em, nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nhiều nét riêng biệt. Nhưng điểm chung nhất là cộng đồng dân tộc nào cũng tôn thờ tổ tiên, gìn giữ, phát triển phong tục tập quán riêng tạo nên bản sắc phong phú góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc của người Việt Nam từ ngàn xưa tới nay.

Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã được thể chế hóa trong Luật tín ngưỡng Tôn giáo – ban hành năm 2016 khẳng định: “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng, tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội”.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam, mỗi dân tộc anh em có những phong tục khác nhau, song đều nhằm tỏ lòng biết ơn và tôn vinh tổ tiên, đấng sinh thành. Riêng trong cộng đồng người Kinh gần như nhà nào cũng có không gian thờ cúng tổ tiên. Từ ngàn xưa người Việt đã xem thờ cúng tổ tiên là một “Đạo”, đạo đây là Đạo thờ đấng sinh thành, nguồn gốc của dòng họ, gia đình, cũng có thể hiểu là đạo Hiếu. Có người nói đạo thờ tổ tiên mới chính là “Quốc đạo” của người Việt. Tuy nhiên khác với các “Đạo chỉ về tôn giáo” như đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Hồi… là những đạo có tiêu chí chặt chẽ như: giáo chủ, giáo lý, giáo luật, giáo lễ và tổ chức giáo hội.

Việc thực hành thờ cúng tổ tiên, không chỉ biểu hiện lòng biết ơn đối với tiên tổ, cội nguồn mà còn là hành vi giáo dục các thế hệ con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Mỗi lần xum họp trong những dịp giỗ, lễ là cơ hội kết nối tình đoàn kết anh em trong dòng tộc, hay nói rộng hơn là kết nối dân tộc mình, đồng bào mình, đất nước mình trong ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Nói tới không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là chúng ta đã nói tới một lĩnh vực tín ngưỡng khá rộng cả về không gian và nội dung. Bởi đất nước ta trải dài từ Bắc tới Nam với hơn hai ngàn cây số, từ xa xưa có nhiều vùng đất đã hình thành phong tục tập quán khác nhau. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét riêng độc đáo trong phong tục thờ cúng tổ tiên. Mặt khác, lịch sử của nước ta đã trải qua nhiều ngàn năm, với sự pha trộn, tiếp biến văn hóa trong quá trình giao thoa cư dân giữa các vùng miền, các dân tộc và thậm chí cả người nước ngoài, từ trước đây và hiện nay, khi họ đến làm ăn sinh sống ở Việt Nam,… Những đặc điểm đó tạo nên tập quán thờ cúng với nhiều nét khác biệt gắn với con người và hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng vùng đất.

Việc thờ tổ tiên có nhiều quan niệm và những cấp độ khác nhau như: Tổ tiên của đất nước, tổ tiên của dân tộc, tổ tiên của dòng họ, tổ tiên của gia đình,… Tổ tiên của người Việt Nam có công sinh ra đất nước này được nhân dân ta tôn vinh là các Vua Hùng, đó là những người đầu tiên mở nước, dựng nước để có nước Việt Nam ngày nay. “Ngày 6-12-2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam”3.

Bên cạnh những vị tổ anh hùng, có công dựng nước và giữ nước là các tổ khai sáng những giá trị văn hóa, kinh tế, mở mang đất đai, như các vị tổ ngành, tổ nghề, tổ khai khẩn mở rộng đất đai lập nên làng xã, còn là các nhà văn hóa như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu…Và gần gũi nhất trong thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, dòng tộc đó là cha, mẹ, là ông bà, cụ kỵ.

Thờ cúng tổ tiên, có sự đa dạng và khác biệt đến từ vùng miền , dân tộc và dòng họ, khi đề cập đến đã có nhiều vấn đề đặt ra. Từ xa xưa cho tới nay, việc thờ

cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt Nam mỗi dân tộc, mỗi vùng miền và thậm chí mỗi dòng họ, gia đình đã có sự khác biệt. Tuy nhiên sự khác biệt mang tính “tự phát” do chưa có nhận thức phù hợp về thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình, mỗi làng quê, thậm chí còn có quan niệm, “ Phú quý sinh lễ nghĩa”, “tốt lễ dễ cầu”, “ có thờ có thiêng, có kiêng có lành”,… đang tạo nên nhiều mặt cả tích cực và tiêu cực trong thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Xin phép được báo cáo với các quý vị về một điều mà có thể có người băn

khoăn là vì sao Viện nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy lại chủ trì hội

thảo này?

Việc nghiên cứu, xây dựng một hệ thống khoa học, hệ thống lý luận chung

quanh chủ đề này thực ra phải giành cho các nhà nghiên cứu, các viện chuyên ngành về văn hóa học, dân tộc học. Nhưng có một thực tế là các nhà địa lý thực hành mà ta quen gọi là nhà phong thủy thì thường xuyên gặp những câu hỏi rất cụ

thể như hỏi về vị trí xây cất nhà thờ, hỏi về cách bày biện, sắp đặt ngai thờ, khám

thờ, bài vị, lư hương… cho đến vị trí đặt câu đối, hoành phi, lọ hoa, ấm chén…

Có nhiều người băn khoăn có được phép đặt ban thờ gia tiên chung với ban thờ Phật, thờ Chúa không? Con gái có được thờ bố mẹ đẻ ở nhà chồng không, và cách

thờ cúng như thế nào? Mấy chén nước, bao nhiêu nén hương, cỗ chay hay cỗ mặn?

Lại nữa, các sắc tộc thờ cúng tổ tiên ra sao, và khi người của dân tộc này kết hôn

với người dân tộc khác thì thờ tổ tiên như thế nào vv…

Chính vì lẽ đó mà Viện nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy, một cơ

quan vừa có nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có nhiệm vụ hướng dẫn thực hành xin phép đứng ra chủ trì hội thảo với chủ đề “Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt, Truyền thống và đương đại”. Để hội thảo có chất lượng, Viện nghiên cứu Kiến trúc phong thủy đã mời một số viện, một số cơ quan có chức năng liên quan cùng tham gia, mời các Nhà nghiên cứu văn hóa cộng tác viết bài, mời các chuyên gia Phong thủy đóng góp, cả những doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đồ thờ tự cùng đồng hành. Chúng tôi rất vui mừng và trân trọng cảm ơn các tổ chức, các cá nhân, các nhà nghiên cứu đã tham gia, đã ủng hộ sáng kiến của chúng tôi và có mặt trong ngày hội thảo này.

Thưa quý vị !

Sau nhiều tháng suy nghĩ, xây dựng ý tưởng, xây dựng nội dung và triển khai từ tháng 6/2023 đến nay, Ban biên tập hội thảo đã nhận được một số lượng (trên 50 bài) với nội dung quan tâm khá phong phú của rất nhiều thành phần nghiên cứu. Đó là các nhà phong thủy thực hành, đó là các nhà nghiên cứu địa phương, nhà giáo, nhà văn, các tiến sĩ, giáo sư từ Thừa Thiên Huế ra, từ Hà Giang xuống, đặc biệt nhiều nhà nghiên cứu từ các viện, các học viện, các trường đại học, có người đã viết đến hai ba bài. Các nội dung được các nhà nghiên cứu quan tâm đề cập cũng rất đầy đặn, chẳng hạn chỉ ra nguyên lý thờ cúng của người Việt, việc thờ cúng các tiền nhân có công với nước, với dân, người theo đạo Phật, theo Công giáo thờ cúng tổ tiên, một số sắc tộc như Mông, Thái, Vân Kiều…, một số quốc gia Châu Á và Đông Nam Á thờ tổ tiên… Đó là những vấn đề chung nhất, gắn với những cơ sở lý luận. Đặc biệt, chúng tôi nhận được rất nhiều các bài viết đi sâu vào một số nội dung rất cụ thể, thiết thực như đề cập tới những yếu tố phong thủy chi phối cách sắp xếp ban thờ tổ tiên, sắp xếp ban thờ ở nhà con trưởng, con thứ, ban thờ vọng, cách thức lên hương, đặt mâm cúng, khấn, vái, lạy. Ban biên tập cũng nhận được những bài phân tích về cách thức sắp xếp, thờ cúng tổ tiên ở những họ lớn, ở cả Hoàng gia triều Nguyễn, những bàn bạc cả đồng tình cả phản đối chừng mực về cách thờ cha mẹ của con gái bên nhà chồng hoặc việc gửi thờ bố mẹ ở chùa, ở nghĩa trang… Vì nội dung rất phong phú, nên trước hết, chúng tôi xin được ghi nhận, được lắng nghe tất cả các ý kiến đã trình bày. Trong thực tế chưa thể (và khó) xây dựng được một bộ tài liệu mang tính quy phạm thống nhất về bố trí không gian thờ tổ tiên. Nhưng chúng ta mong muốn qua hội thảo này xới xáo những vấn đề đang rất được xã hội quan tâm, để nếu được ở những hội thảo tiếp theo các nhà khoa học và quan tâm của xã hội với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn để chúng ta có cơ sở chặt chẽ cho việc xây dựng những chuẩn mực nhất định về không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt, làm tiêu chuẩn mẫu mực cho các gia đình Việt Nam sinh sống ở bất cứ nơi nào đều có thể vận dụng và thực hiện.

Chúng tôi thành tâm tin tưởng rằng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Thờ cúng tổ tiên” của người Việt Nam chính là một đạo lý tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Trong hội thảo này, bước đầu chúng tôi xin chia làm hai phần. Phần một là những cơ sở lý luận gắn với việc thờ cúng tổ tiên. Thực ra trước đây đã có nhiều tài liệu như Thọ Mai Gia Lễ hoặc những quy định về cúng tế đời Nguyễn, đã có nhiều nghiên cứu của các học giả như Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Toan Ánh, Đặng Nghiêm Vạn, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Khắc Mai…Nhưng đến nay cuộc sống có nhiều đổi thay, cũng rất cần những bổ xung cho phù hợp thời đại.

Phần thứ hai là những nội dung rất cụ thể và vì thế cũng rất phong phú, đa dạng. Chúng tôi xin được tập trung vào một số nét chính để có những nhận thức chung, đó là xây dựng một số mô hình ban thờ (ở đây chúng tôi có mời một số làng nghề trưng bày một vài hình ảnh cụ thể, xin quý vị tham khảo). Có sự thống nhất chung về thái độ đối với việc thờ cúng của phụ nữ khi thờ cúng cha mẹ mình ở nhà chồng hay ở chính ngôi nhà của mình, có định hướng về quan niệm gửi thờ cha mẹ ở chùa chiền, ở nghĩa trang…Như đã nói, đây mới chỉ là những nội dung mà chúng tôi khơi gợi, rất mong được quý vị hưởng ứng.

Trong khuôn khổ thời gian khiêm tốn, không thể mời hết mọi người trực tiếp

trình bày, Ban biên tập nội dung xin phép được chọn một số tham luận đề cập tới những vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất. Nếu thời gian còn rộng rãi, chúng ta sẽ tranh thủ trao đổi thêm.

Thay mặt cho Ban tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Hội khoa học

Đông Nam Á, cảm ơn các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, thông tin, cảm ơn các nhà nghiên cứu, các tác giả đã đồng hành cùng Viện nghiên cứu Kiến trúc phong thủy đến với hội thảo này. xin trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2023