Hội thảo không gian thờ cúng tổ tiên

ĐỀ ÁN – TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP QUỐC GIA KHÔNG GIAN THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT – TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI
I. LÝ DO, MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC HỘI THẢO
1. Lý do tổ chức hội thảo:
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước có nhiều nét tương đồng văn hóa như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc anh em, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở mỗi dân tộc có những nét khác nhau, nhưng dân tộc nào cũng có truyền thống phụng thờ tổ tiên và người thân đã khuất tại các dòng họ, gia đình. Đỉnh cao trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt là thờ Quốc Tổ Hùng Vương – vị thủy tổ khai sáng ra quốc gia, dân tộc từ nhiều nghìn năm qua, với nhiều nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc riêng trong tín ngưỡng thờ Tổ tiên của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Từ truyền thống mang tính đặc thù đó, nhiều giá trị văn hóa kết tinh thành những giá trị và hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, từ văn hóa gia đình đến văn hóa dòng họ và văn hóa quốc gia. Từ giá trị đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã được pháp điển hóa trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, ban hành năm 2016, tại Điều 2, mục 2 đã chỉ rõ: “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng, tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử văn hóa, đạo đức xã hội”. Và vì giá trị độc đáo mà di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ Việt Nam” đã được UNESCO đánh giá cao và ghi nhận vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2012.
Từ thực tiễn thờ cúng tổ tiên hiện nay trong cộng đồng người Việt, với những vấn đề đã và đang đặt ra trong thực tế cũng như trong khoa học, để góp phần hóa giải những quan điểm chưa gặp nhau, đồng thời tạo nên sự đồng thuận tương đối cùng nhau trong quan điểm về không gian thờ tổ tiên của người Việt, Viện Nghiên cứu ứng dụng Kiến trúc Phong thủy tổ chức Hội thảo khoa học về “Không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt – Truyền thống và đương đại”. Qua hội thảo, bước đầu xới xáo những vấn đề lý luận và nhu cầu thực tiễn đang đặt ra ở các địa phương. Thông qua trao đổi, giao lưu khoa học để tìm ra một mô hình phù hợp (tương đối) với Việt Nam trong bối cảnh mới.
II. NỘI DUNG HỘI THẢO:
Hội thảo sẽ tập trung vào các vấn đề sau:
+Cơ sở lý luận và các khái niệm liên quan đến vấn đề không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt nói riêng và của nhân loại nói chung.
+Cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm về vấn đề kiến trúc, kiến tạo và bảo tồn giá trị của không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên truyền thống của các dân tộc nói chung và ở từng khu vực mang bản sắc địa phương nói riêng.
+Những căn cứ khoa học của kiến trúc phong thủy trong việc bài trí không gian thờ cúng tổ tiên (vị trí đặt ban thờ, đồ thờ, cách thức bố trí bát hương thần linh, cộng đồng gia tiên, bà Cô ông Mãnh và đồ dâng cúng). Tập trung giải quyết những vướng mắc trong việc thờ cúng gia tiên hiện nay: Trên bàn thờ gia tiên có bố trí bát hương cộng đồng gia tiên bên chồng cùng cộng đồng gia tiên bên vợ được không? Con gái có được đặt bát hương thờ
bố mẹ đẻ tại gia đình mình không? v..v…
+Người Việt theo các Tôn giáo khác nhau thì thờ cúng như thế nào?
+Thực trạng diễn tiến của không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên ở các vùng văn hóa khác nhau trong điều kiện phát triển xã hội đương đại.
+Ứng xử với không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp hóa và đô thị hóa.
III KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI:
1. Thời gian tổ chức hội thảo: Dự kiến cuối tháng 11 năm 2023.
2. Địa điểm: Cung Tri thức Thành phố Hà Nội – Số 1 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
3. Hình thức tổ chức: Trực tiếp:
4. Đối tượng mời tham dự hội thảo: Đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Cục Di sản Văn hóa, đại diện Cục văn hóa cơ sở, đại diện Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các nhà khoa học chuyên ngành Lịch sử, Văn hóa Dân tộc, các Viện, Trường đại học có liên quan; TW hội NCKH Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức KHKT VN; Ban Tôn giáo Chính phủ; Viện Tín ngưỡng VN; Trung tâm bảo tồn Di sản VH Tôn giáo; Các doanh nghiệp và đại diện một số cộng đồng thực hành di sản; Một số cơ quan báo chí, truyền hình TW và Hà Nội…
5. Thời gian đặt và nhận bài:
+ Đặt bài: Tuần thứ hai, tháng 01/ 9/2023.
+ Bài viết gửi về hộp thư của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy: vnafsa@gmail.com
+ Nhận toàn văn tham luận để biên tập, in kỷ yếu (không quá 3000 từ) Trước ngày 1/11/2023.
6. Kinh phí hội thảo (có bản dự kiến mời hỗ trợ và dự toán chung).
BAN TỔ CHỨC !