KHÔNG GIAN THỜ CỦA NGƯỜI VIỆT

Thái Chung – Nguyên P GĐ – Chủ tịch HĐQT Cty Xây dựng các công trình Văn hóa

 Là một kỹ sư xây dựng, nhưng tôi công tác tại một đơn vị thường xuyên thực hiện công tác tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia. Vì vậy, bài viết này chỉ mang tính chất trao đổi về sự nhận biết về không gian thờ của người Việt trong đời sống hàng ngày.

Các dân tộc có nền văn minh lúa nước nói chung, người Việt nói riêng là dân tộc có phương thức sản xuất lâu đời trồng cấy lúa nước và khai thác thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực nhiệt đới ẩm, gió mùa, thiên nhiên đa dạng. Thời xa xưa người Việt sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên (Nhiên thần) đã sớm gần gũi với họ, hơn nữa Việt năm lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Hai yếu tố đó làm cho Việt Nam trở thành quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng.

Tính đa thần không chỉ biểu hiện ở số lượng lớn các vị thần mà các vị thần ấy cùng đồng hành trong tâm thức của người Việt. Điều đó dẫn đến tính hỗn duy tôn giáo. Người Việt tiếp nhận các tôn giáo ngoại nhập không thụ động mà luôn cải biến cho gần gũi với tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. Từ đặc điểm này chúng ta nhận thấy người Việt đa số đều có nhu cầu tôn giáo, tuy nhiên số đông lại không là tín đồ thành kính của riêng một tôn giáo nào cho nên họ có thể đến chùa, đến Phủ … và cũng có thể họ đến nhà thờ.

Đặc điểm trên làm cho không gian thờ của người Việt gồm nhiều không gian khác nhau nhưng vẫn vì mục đích thực hiện nghi thức hành lễ tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống hàng ngày.

Vì vậy, người Việt có những không gian thờ đáp ứng cho các tín ngưỡng khác nhau như:

–         Tín ngưỡng phồn thực

–         Thờ sinh thực khí

–         Thờ việc sinh đẻ

–         Sùng bái tự nhiên

–         Thờ tam phủ, tứ phủ

–         Thờ động vật

–         Thờ cây cối

–         Thờ người

–         Hồn vía

–         Thờ Tổ Tiên

–         Thờ Thành Hoàng

–         Thờ tứ bất tử

–         Thờ thần

–         Thờ mẫu

–         Thờ Vua Hùng

–         Thờ Chúa

–         Nhà thờ Thiên chúa

Do phương thức sống là trồng cấy lúa nước nên cư dân luôn luôn phụ thuộc vào thời tiết để sản xuất. Chính vì vậy họ cần một điểm tựa, chỗ dựa về tinh thần từ đó họ cầu mong có các vị thần linh che chở, đồng hành trong cuộc sống.

Từ khi là tộc người sống trong hang đá, sau đó di chuyển ra các bìa rừng và chuyển dịch theo các con sông, người Việt đã khai thác, cải tạo những vùng đất để lập làng, lập ấp sinh sống. Chính vì vậy những không gian đầu tiên chính là những không gian làng được bao bọc bởi các bờ tre, lũy tre, hào nước, cổng làng và không gian thờ chung nhất cho làng đông dân cư chính là ngôi đình, nơi người Việt thờ Thành Hoàng làng để che chở cho đời sống tâm thức, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và kinh tế phát triển, sự học đỗ đạt, vinh hoa khoa bảng. Bên cạnh đó là những không gian thờ khúc song hành như chùa làng, đền, miếu, phủ…

Để đáp ứng nhu cầu đa thần đa tín ngưỡng của người dân, tất cả các không gian thờ chung này đều cùng một mục tiêu đáp ứng đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, đưa người dân đến với đời sống tốt đẹp, hướng thiện và hoàn thiện cuộc sống đưa đến xây dựng cộng đồng làng xã phát triển. Không gian thờ chung của cư dân đều có chung đặc điểm là sản phẩm của chính người dân và dân sáng tạo, làm nên đồng thời nuôi dưỡng và bảo tồn. Vì vậy những không gian này thường được làm tại những vị trí đặc biệt đắc địa và được những người am hiểu về phong thủy, địa lý chọn và tìm trong không gian chung của cư dân lúa nước.

Song song với các không gian thờ chung để thực hiện nghi thức của các tôn giáo tín ngưỡng thì người Việt đặc biệt quan tâm đến không gian thờ riêng cho dòng họ và gia đình, đó chính là nhà thờ họ và gia tiên. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành tập tục truyền thống có vị trí hết sức quan trọng, đặc biệt trong đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam, là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị, họ tin rằng tổ tiên mình rất linh thiêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách khó khăn, vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích cho con cháu khi gặp điều lành và cũng quở trách khi con cháu làm điều tội lỗi.

Tín ngưỡng này không chỉ là tín ngưỡng phổ biến của người Việt, tộc người đa số mà còn lưu giữ tồn tại ở các dân tộc khác nhau trên khắp đất nước.

Ý thức “con người có tổ có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã được các thể chế chính trị (nhà nước) từ các triều đại xa xưa trân trọng, thừa nhận, dù rằng với những mức độ khác nhau cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự bồi lắng kết tụ  những giá trị đạo đức quý báu của người Việt

Không gian thờ tổ tiên được mỗi gia đình lập nên một cách thành kính, trang trọng và thường được xem là nơi quan trọng nhất trong một ngôi nhà. Không gian thờ cúng tổ tiên cũng hình thành và biến đổi theo quá trình phát triển của đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau thì thờ tổ tiên cũng được hình thành và thay đổi tùy theo xã hội và cũng có nhiều sự tác động của những chuyên gia, nhà nghiên cứu và tầng lớp thầy phong thủy, địa lý, các thầy cúng…đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt.  Không gian linh thiêng này tồn tại trong tâm thức của mỗi người Việt và chính họ chủ thể chính thức của không gian thờ cúng tổ tiên, sẽ biết cách tham khảo, lựa chọn và thiết lập cho ngôi nhà của mình có một không gian thờ tổ tiên cho mình một cách trang trọng và thành kính nhất.

Kinh Phật có dạy: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” từ đây chúng ta thấy mỗi người, mỗi gia đình khi tôn cấp, lập thờ ban thở tổ tiên đều căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, gia thế và sự hiểu biết, tôn kính tổ tiên mình để lập nên không gian thờ cúng tổ tiên phù hợp nhất, trang trọng nhất, thành kính nhất. Trong không gian thờ này bài trí đồ thờ, sắm sửa đồ thờ cũng phù hợp với thởi điểm lập nên những đồ thờ cơ bản nhất, không thể thiếu được là bát hương – bài vị hoặc ảnh thờ – chóe rượu – nước – ống hương – mâm bồng – độc bình. Ngoài ra, mỗi gia đình có điều kiện khác nhau, niềm tin ở mức độ khác nhau, có thể có một bát hương hoặc ba bát hương, đồ thờ có thể: tam sự – ngũ sự – thất sự. Không gian thờ có thể có cả ngai thờ – án thờ – hoành phi hoặc cuốn thư, câu đối, cửa võng … tuy chuẩn mực đúng sai thì chưa thể khẳng định được, nhưng dù không gian thờ tổ tiên được khởi dựng như thế nào, bài trí thế nào cũng không ngoài tâm thức. Đây là nơi con cháu được tri ân, giao tiếp với tổ tiên và là nơi để tổ tiên về và dõi theo, phù hộ gia phúc, gia ân cho con cháu ngày càng tiến bộ và thành đạt.

                                             Hà nội tháng 7 năm 2020