PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI HUẾ:
NGHI LỄ THỜ CÚNG TẠI GIA ĐÌNH HÀNG NĂM
Tiến sĩ Trần Đại Vinh
(Giảng viên Hán Nôm ĐHSP Huế. Chủ tịch hội VN dân gian Huế)
Tiếp nối và giữ gìn truyền thống thờ phụng tổ tiên của dân tộc, người Huế cũng như cư dân miền Trung thường bố trí gian giữa của ngôi nhà chính lập bàn thờ gia tiên của mỗi đại gia đình.
Bên trên có các tran thờ Ngũ tự gia đường. Cụ thể là tran Ông ở chính giữa, đứng trên ghế phụ có thể thắp hương được. Tại tran Ông thiết ba bát hương có đèn đài chung quanh và phía sau là bình hoa (phía đông hay phía tả) và quả bồng (phía tây hay phía hữu). Bát hương ở giữa thờ Lịch đại Tiên sư tôn thần. Bát hương phía tả thờ Đông trù tư mệnh Táo quân. Bát hương phía hữu thờ Ngũ phương Thổ công tôn thần. Hoặc để gọn hơn người ta chỉ thờ một bát hương, nhưng tượng trưng cho cả ba danh hiệu thần bảo hộ nhà cửa này.
Ở phía bên hữu lại có một tran nhỏ hơn gọi là tran Bà, thờ bà bổn mạng của phụ nữ trong nhà, gọi tên là Bà theo can chi của tuổi. Ví dụ: bà chủ tuổi Giáp Tý, thì danh hiệu được thờ là Bà bổn mạng thai sinh tuổi Giáp Tý. Tại tran này còn thờ vọng thần hiệu Đoài cung Thánh mẫu hay Tây cung Vương mẫu bổn mạng chúa Tiên. Tran này có sự chuyển giao cho đời sau khi bà mẹ cao tuổi đã xin làm lễ ra lão, thì tran ấy và cả bát hương và kỉnh thờ (tranh gương vẽ ảnh bà ngự trên ngai hay trên voi, có các thị nữ đứng hầu) có thể đem bỏ nơi gốc cây đầu xóm, hay có thể truyền lại cho con dâu, hoặc con gái nối tiếp mà phụng thờ, có thể thay đổi tranh gương của bà cho phù hợp với tuổi của mình.
Riêng tại gian bếp, bên trên bếp nấu còn có một tran thờ Táo quân với bức kỉnh sơn đỏ viết chữ Định phúc Táo quân, hay Táo quân chi vị. Ngoài các ngày Tết và ngày mùng một, ngày rằm, gia chủ đều bày biện hoa quả phẩm, cau trầu rượu để thắp hương thờ kính, thì vào rạng sáng ngày mùng chín tháng Giêng, gọi là ngày Tiên sư giáng hạ, người Huế thường làm lễ cúng tran Ông và tran Bà, với lễ vật là con gà bát xôi, bộ áo giấy. Hôm sau nếu cần thắc mắc về số mạng, người nhà sẽ đi xem bói giò gà đã cúng.
Các danh hiệu thần ở tran Ông, tran Bà và tran bếp cũng được thắp hương, dâng lễ cau trầu rượu, hoa quả phẩm để khấn vái mỗi khi làm lễ giỗ kỵ trong nhà, nhằm cầu xin cho các vong linh được vào nhà để hưởng lễ.
Ngoài ra, tại cửa ngõ của mỗi nhà đều có ống cắm hương để thắp hương cho nhị vị môn thần (danh hiệu là Thân Thư và Uất Luật) mỗi khi có lễ cúng trong gia đình, xin nhị vị môn thần cho phép các vong linh thân thuộc được nhập môn để hưởng lễ cúng. Đó là các vị thần bảo hộ vườn tược, nhà cửa của người Huế, gọi một cách long trọng là thần linh Ngũ tự gia đường.
Phía dưới tran Ông và tran Bà là bàn thờ gia tiên, thường thờ theo kiểu tiền Phật, hậu Linh. Phía ngoài là một hương án thờ Phật, có đủ đèn đài lư hương, bình hoa, quả phẩm và tượng Phật (Bồ tát Quán Thế âm hay Phật ADi-Đà và hiếm hơn nữa là Phật Thích ca).
Phía sau là một bàn soạn đặt mâm cỗ khi kỵ giỗ. Và sát tường là một hương án hậu, trên cũng có đèn đài bình hoa quả phẩm, giữa là đặt các bát hương thờ các cố, ông bà, cha mẹ, chú bác và anh em đã mất và ảnh thờ của họ. Như vậy thường có bốn đời trên và một hoặc hai đời sau (đời con và đời cháu nội đã mất). Một số bàn thờ không có diện tích rộng rãi thì gia chủ thờ tượng trưng mỗi đời một bát hương. Ít ra cũng là năm bát hương từ đời cố xuống đến đời con và đời cháu đã mất.
Nếu ngôi nhà có chiều sâu hơn, thì án thờ Phật đặt ở phía trước, cách một khoảng mới đến hương án tiền, bàn soạn và hương án hậu. Trong trường hợp đó bát hương ở hương án tiền là bát hương chung, gọi là bát hương công đồng. Có thể đặt ở đây một bài vị chung, đề là “Bổn âm đường thượng khứ thệ tiên linh liệt vị” (nghĩa là tất cả chư vị quá cố trong gia đình).
Ở ngoài sân tại góc trên có một hoặc hai am miếu nhỏ thờ các vong linh sa sảy (sút sảo, tiểu sản, nam hay nữ của các đời từ cố đến cha mẹ).
Tại bàn thờ gia tiên, các tran và am miếu, gia chủ sẽ bày biện hoa quả phẩm, cau trầu rượu để cúng (hay đơn giản hơn là để thắp hương) vào các tối ngày rằm, ngày mùng một và các ngày Tết.
Gia đình cũng dâng lễ cúng cô hồn vào ngày rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên, cũng là ngày xá tội vong nhân) tại một bàn thờ lập tạm tại hiên nhà hay sân nhà. Đồng thời cũng dâng lễ cúng cho tổ tiên tại bàn thờ.
Ngoài bàn thờ gia tiên của một đại gia đình thờ chung cố ông, cố bà trở xuống, còn có bàn thờ vọng của một người con trai thờ cha mẹ và ông bà của mình.
Ngoài ra, ở các cấp bên trên của đại gia đình còn có nhà thờ kỉnh, nhà thờ chi, nhà thờ phái, nhà thờ nhánh và nhà thờ họ.
Tuy nhiên, chỉ có một ít làng có điều kiện kinh tế và đất đai còn rộng rãi,người dân có nghề nghiệp làm ăn giàu có, con cháu mới nỗ lực xây dựng nhiều
nhà thờ các cấp này, tiêu biểu như làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc hay làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ cùng huyện…
Hầu hết các làng khác, con cháu chỉ có một nhà thờ gia tiên, một nhà thờ phái và một nhà thờ họ. Khi lâm thời cúng kỵ, giỗ chạp các cấp kỉnh, chi, nhánh thì thiết bàn tại phía trước bàn thờ tổ tiên và một bàn ngoài sân để làm lễ cúng. Nếu là cấp nhánh (liền ngay dưới họ thì xin cúng tại nhà thờ họ). Phương cách linh hoạt này được đa số các nơi áp dụng và có ý nghĩa thực tế
hơn.
1. Lễ Kỵ giỗ
Từ thế kỷ thứ XIX đến nay lễ kỵ giỗ cha mẹ, ông bà, cố ông, cố bà thường
cử hành hai lễ: Lễ Tiên thường vào chiều ngày hôm trước và Lễ Chính kỵ vào
sáng hôm sau đúng vào ngày mất của tổ tiên.
1.1. Lễ Tiên thường
Nếu theo đúng chữ nghĩa của người xưa thì Lễ Tiên thường (lễ nếm trước của vong linh) là lễ cúng nhỏ (vật thực đơn sơ, cốt là nem chả, cau trầu rượu) để cáo yết với tổ tiên và cáo trình với vong linh người được cúng giỗ rằng ngày mai sẽ mời dự lễ cúng chính thức. Lễ cáo yết này diễn ra vào buổi chiều từ 14h-16h, lời cáo yết có khi là bằng lời văn Hán Việt: “Minh nhật cử hành chính kỵ, kim kính cẩn dự tiên kiền cáo”.
Nếu là lễ giỗ Thủy tổ của dòng họ, thì đây chính là Lễ Túc yết, toàn thể con, cháu trai trưởng thành phải đến để cúng lễ cáo. Vật thực có thể gồm: xôi, vài cặp vịt, vài kg thịt luộc, lòng và nem chả. Buổi tối con cháu lại tập trung làm lễ cúng trà, rồi chia phiên canh gác nhà thờ. Trong khi người lo lễ phải chuẩn bị cỗ bàn để dâng cúng vào lễ chính kỵ sáng sớm hôm sau.
1.2. Lễ Chính kỵ
Lễ chính kỵ thì cỗ bàn lớn hơn. Đối với đa số dòng họ là một con heo luộc và một cỗ xôi lớn, sau khi cúng đủ để dọn cỗ cho quan khách và cả trăm con cháu.
Đối với lễ kỵ cố ông, cố bà, kỵ ông, bà và cha mẹ thì lễ chính kỵ có đủ vật thực các loại sắp thành các mâm cỗ để cúng ở các bàn thờ, bàn thí thực và các am miếu.
Tuy nhiên trong thực tế, thì từ giữa thế kỷ XX đến nay các gia đình và dòng họ ở Huế có nơi đã chuyển phương thức tổ chức. Vẫn gọi là Lễ Tiên thường nhưng lại cúng cỗ bàn đầy đủ phong phú, thường cúng vào khoảng hai đến ba giờ chiều. Cúng xong là mời khách và bà con hưởng cỗ. Có thể một số nơi khác lại chuyển sang cúng Lễ Tiên thường từ 11giờ -12giờ trưa, sau đó mời khách và con cháu hưởng cỗ để thích hợp với giờ giấc lao động.
Thức uống cũng thay đổi, vào thế kỷ XX chỉ là vài xị rượu trắng, đến đầu thế kỷ XXI thì mỗi bàn 10 người đã chuẩn bị từ một đến hai thùng bia lớn. Đến sáng hôm sau khoảng từ năm đến bảy giờ sáng mới làm Lễ Chính kỵ với một mâm cỗ gọn nhẹ có phần để dành từ hôm trước và có phần mới kho nấu sáng sớm để rồi đốt áo giấy cho tổ tiên. Xong là lễ tất. Con cháu vội vàng cúng giỗ và chuẩn bị đi làm, màn bàn thờ được buông xuống, đèn bàn thờ đã tắt và khói hương vắng lạnh.
Như thế vào đúng ngày tưởng niệm ngày mất của tổ tiên chỉ có một vài giờ sáng sớm làm lễ cúng kỵ sau đó kết thúc, quả có phần phũ phàng.
Hiện nay, một số gia đình đang thay đổi. Vào xế chiều ngày hôm trước, người có trách nhiệm cúng giỗ đã làm Lễ Cáo yết, sau khi đã trang hoàng bày biện, bông ba quả phẩm, cau trầu rượu và lễ vật tối thiểu: vài dĩa nem chả.
Đèn hương được duy trì đến sáng hôm sau, đúng ngày chính kỵ, con cháu tập
trung chế biến cỗ bàn khoảng 11giờ làm Lễ Chính kỵ, sau đó là phần hưởng cỗ của toàn thể con cháu.
2. Lễ chạp mả trong gia đình và chi phái
Tùy cấp bậc từ chi phái trở xuống gia đình có nhiều lễ chạp mả khác nhau: Lễ Chạp phái để chạp mộ và cúng cho vong linh Ngài Thủy tổ phái trở xuống thêm ba, bốn đời; Lễ Chạp chi là để chạp mộ chi và cúng cho vong linh từ ngài Tổ chi trở xuống; Lễ Chạp kỉnh để chạp mộ trong phạm vi kỉnh và cúng cho vong linh thân thuộc trong kỉnh. Lễ chạp cấp nào đều có ngày truyền thống từ xưa truyền lại, thường là ngày chính kỵ hay tiên thường của các vị tổ cấp ấy. Như vậy có thể diễn ra bất kỳ ngày tháng nào trong năm. Tất cả con cháu trai đều phải ghi nhớ để tích cực tham dự và đóng góp tiền chạp trước đó cho người lo việc cấp phái, cấp chi chuẩn bị chi phí lễ vật.
Riêng chạp cấp kỉnh chính là cấp đại gia đình từ một vị cao tổ trở xuống
thì toàn thể con cháu, dâu rể, nội ngoại đều có bổn phận tham dự. Trước hết để chạp mộ cố, sơ, ông bà, cha mẹ, bác chú và anh chị em con cháu đã mất. Sau đó là để dự lễ cúng chạp tại từ đường gia tiên và hưởng cỗ chạp trong ý nghĩa đoàn viên, gặp gỡ bà con, anh em, con cháu mỗi năm một lần, chia sẻ tình nghĩa huyết thống.
* Vật thực trong lễ chạp xưa nay: Từ cuối thế kỷ XX trở về trước, mâm cỗ chạp thường dâng cúng heo xôi, các loại dưa mắm. Từ con heo làm xong luộc kỹ người lo việc sẽ phân chia các loại đầu, nọng, miếng thịt dâng cúng các án thờ. Án hội đồng sẽ dâng cúng mâm thịt lớn gồm đủ bốn đùi, lòng và cỗ xôi lớn. Nước luộc heo sẽ được bổ sung bằng thịt, chả nạc để nấu nồi cháo cho bà con.
Từ đầu thế kỷ XXI, khi đời sống khá giả, các cấp tổ chức đã có xu hướng đổi mới, thay vì mổ nguyên con heo, nay chỉ đặt mua một đầu, cỗ lòng, các đùi và một số dung thịt để xắt lát dọn cỗ, ngoài ra còn bổ sung các loại gỏi khai vị, thịt quay, các món xào nấu. Thậm chí một số nơi chỉ mua ít thịt xôi để làm cỗ cúng ở các bàn thờ còn đặt nấu các bàn tiệc cho các bà con và thức uống thì phổ biến là bia chất chồng thùng này, thùng khác.
3. Lễ chạp mả của họ, làng
Ở cấp cao nhất là họ, làng thường chọn một ngày trong tháng chạp từ mùng Hai cho đến ngày 25. Có nơi như làng Hiền Lương, xã Phong Hiền đã phân bố các họ chạp rải rác từ ngày mùng một trở đi cho đến ngày rằm cho đủ 15 họ chính trong làng. Mở đầu là họ Hoàng Ngọc vào ngày mùng một và kết thúc với họ Trương Như vào ngày rằm. Trong suốt đợt chạp họ đó, tùy theo mối quan hệ nội ngoại mà bà con, con cháu đều lục tục trở về làng để chạp mộ họ bên nội, bên ngoại hay dự lễ chạp của bà cố, bà nội và họ của các bà cô. Có làng như làng Dương Nỗ tất cả bảy họ đều chạp trong ngày mùng bốn.
Lễ cúng chạp diễn ra tại nhà thờ bảy họ đồng loạt theo lời xướng của ban nghi lễ, sau đó chia về các phái để làm lễ cúng thêm một lần nữa.
4. Lễ chạp mồ hoang
Cũng trong tháng này, một số làng còn chọn ngày để chạp mồ hoang, cúng cho vong linh vô tự. Đa số các làng đều lấy rạng sáng ngày 25 tháng chạp để cúng cho âm linh cô hồn. Lễ cúng diễn ra tại miếu âm linh của làng.
Hiện nay vẫn còn thực hiện nghiêm túc lễ chạp mả làng và cúng âm linh vô
tự, là bốn làng: Thai Dương Hạ, xã Hải Dương; thôn Thai Dương, phường Thuận An; thôn Hoà Duân, thôn An Dương, xã Phú Thuận và thôn Cự Lại xã Phú Hải, huyện Phú Vang. Tập tục này diễn ra vào giữa đời Tự Đức đến giữa năm 1883 xảy ra sự biến thất thủ cửa Thuận An, số người chết trôi nổi tại các làng này được quy tập chôn cất tại vùng mộ âm linh của làng. Từ đó lễ cúng rạng sáng ngày 25 tháng chạp này long trọng hơn.
Một số làng thuộc huyện Quảng Điền và Phong Điền lại xây dựng miếu âm linh còn gọi là cô đàn, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Gần đây đã trùng tu, tôn tạo và cử hành các lễ cúng cô hồn rải rác từ tháng giêng đến tháng năm âm lịch trong năm. Nổi bật là cô đàn làng Ưu Điềm xã Phong Hòa, cô đàn làng Sơn Tùng xã Quảng Vinh, cô đàn làng Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây xã Quảng Phú, cô đàn làng La Vân xã Quảng Thọ và cô đàn làng Thủ Lễ thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền.
Có một vài làng đã tích hợp lễ tảo mộ làng vào lễ thu tế của làng vào ngày 20-8 âm lịch hàng năm như làng Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang.
Ngay sáng sớm 20-8, toàn thể dân đinh đi chạp mả các vị tổ khai canh. Buổi trưa tập trung tại đình để lập đoàn cung nghinh đến các đền miếu của làng để rước các thần linh về đình làng làm lễ an vị. Kế đó là Lễ Cúng cô hồn. Sau đó là Lễ Chánh tế. Lễ xong cả làng mời cỗ, chia sẻ niềm vui đoàn tụ của bà con cả làng.
Sáng ngày 21-8 lại làm lễ tảo mộ tại ba họ khai canh: họ Hoàng, họ Nguyễn Viết, họ Đinh. Con cháu đi chạp mộ tổ tiên, sau đó dự lễ cúng chạp tại nhà thờ họ.
Ngày 22-8 lại là ngày tảo mộ ba họ khai khẩn: họ Trần, họ Nguyễn Đình, họ
Phạm.
Ngày 23-8 đến phiên các họ Nguyễn Duy, họ Nguyễn Hữu, họ Nguyễn
Đăng và họ Ngô.
Lễ chạp của các họ cử hành trong hai ngày. Ngày hôm trước buổi sáng, trai tráng đi chạp mồ mả, buổi chiều quy tụ tại nhà thờ họ để cúng tiên thường.
Sáng sớm hôm sau làm lễ cúng chạp chính thức. Một số họ lại làm lễ cúng cô hồn ngày hôm trước, sáng hôm sau làm lễ chạp chính, con cháu nội ngoại tề tựu tham dự đông đủ.
Tiếp đó là lễ cúng của phái, lễ cúng của chi, của đại gia đình. Mỗi cấp
đều dâng lễ cúng trang trọng.
Vài ngày sau, mỗi xóm lại cử hành chạp xóm. Đúng ngày quy định thường là ngày 25-8, trai tráng trong xóm dàn hàng ngang đi suốt theo chiều dài của phần đất tại nghĩa địa làng đã phân định cho mỗi xóm. Chú ý tìm những ngôi mộ có thể bị sót lại chưa được chạp để sửa sang phần mộ rồi trở về am xóm để cúng chạp.
Cách thức tổ chức ngày chạp họ và làng của ba làng Hiền Lương, Kế Võ và Dương Nỗ nói trên là tiêu biểu của ba cách ứng xử của cộng đồng cư dân Thừa Thiên Huế.
Nếu trước năm 2019, các cấp làng họ, nhánh, phái, chi và đại gia đình đều tổ chức các lễ giỗ và chạp bình thường theo truyền thống, thì từ năm 2019 đến nay, dịch SARS-CoV-2 hoành hành làm cho các nghi lễ phải thu hẹp trong phạm vi con cháu nội thân.
Trong xu thế vài năm tới, vẫn phải sống chung với dịch bệnh, thì phương
thức tổ chức giỗ chạp các cấp cũng phải ứng biến như thế.
Việc mở rộng hay hạn chế số người còn phải do kết quả phòng chống dịch của địa phương. Tất nhiên đối với con cháu nội thân thì dù hoàn cảnh nào việc chăm lo săn sóc mồ mả và thờ cúng tổ tiên vẫn được duy trì. Đó cũng là thể hiện đạo lý “truy viễn” truyền thống và là bổn phận lưu truyền qua nhiều thế hệ của người dân Huế.
5. Phương hướng đổi mới về cách tổ chức lễ kỵ giỗ trong gia đình hiện nay
Kỵ giỗ là một dịp tưởng niệm về người đã qua đời. Việc gặp gỡ con cháu
trong lễ kỵ giỗ là để chia sẻ những hoài niệm về tổ tiên thân thuộc ngày xưa. Đó là một dịp lễ trọng trong gia đình. Vì thế chỉ cần trang hoàng, bày biện bàn thờ với hoa thơm, quả đẹp. Đến giờ cúng, đặt lên bàn thờ vài món bánh trái, nem chả thơm ngon, gọi là để thắp hương, cúng rượu cho tổ tiên. Chứ không cần sắp đặt của bàn ngập tràn thừa thải, chiếm cả không gian bàn soạn của bàn thờ.
Phần vật thực, cỗ bàn kho nấu chỉ dọn ra bàn cho bà con, anh chị em ăn bữa cơm đoàn kết, không cốt lấy no nê, mà cốt ở chan hoà trong tình cảm nội ngoại. Không cốt lấy say sưa, mà chỉ thêm chút tình cảm gắn bó.
Đặc biệt hạn chế dần, đi đến bãi bỏ tục cúng áo giấy, giấy tiền, giấy vàng bạc. Đó là dấu vết của một tập tục ngoại lai, lạc hậu, mà đầu thế kỉ 20, các bậc thức giả đã phê phán và triều đình Huế cũng đã dứt khoát bãi bỏ trong nghi lễ thờ cúng. Đến nay đã hơn 100 năm sau, không lẽ chúng ta cứ mê muội mà ù lì không thay đổi.
Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc giảm thiểu quy mô tổ chức, mời mọc người tham dự kỵ giỗ là một tất yếu để bảo đảm một cuộc sống gia đình phát triển bền vững. Phải quân bình ngân sách bé nhỏ của gia đình, phải đáp ứng nhu cầu nuôi sống con cháu ăn học, người già được có điều kiện chăm sóc y tế, chỉ dành một phần chi tiêu cần thiết để thực hiện việc thờ cúng tổ tiên đúng theo đạo nghĩa mà không xa hoa phung phí.
Trần Đại Vinh