KHÔNG GIAN THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT TRUYỀN THỐNG VÀ ĐƯƠNG ĐẠI

TS Bùi Hữu Dược.

          Tóm tắt: Bài viết đề cập ba nội dung, (1) Giới hạn thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, một số khái niệm. (2) Nêu quan điểm về thờ cúng tổ tiên chung bên nội và bên ngoại. (3) Nêu quan điểm về ban thờ và bát hương phối thờ bên nội và bên ngoại.

Từ khóa: Thờ cúng tổ tiên, Ban thờ, Bát hương.

Tác giả: Tiến sĩ Bùi Hữu Dược (nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ). Giảng viên Cao cấp Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

          Đặt vấn đề và giới hạn phạm vi tham luận:  Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, tập trung và rõ nét nhất là các quốc gia ở phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,…. Thờ cúng tổ tiên của  người Việt có từ xa xưa và được thể hiện dưới nhiều hình thức như thờ trực tiếp, gián tiếp, đối tượng thờ,…; ở nhiều cấp độ như thờ tổ tiên trong gia đình, dòng họ, khu vực địa lý và cao nhất là cấp quốc gia (Thờ Quốc tổ Hùng Vương). Trong khuôn khổ của tham luận chỉ xin đề cập tới thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ.

1 . Thờ cúng tổ tiên trong gia đình và dòng họ của người Việt.

Tổ tiên, là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, … những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, những người anh, em đã mất có quan hệ gia đình với những người đang sống.

Thờ và cúng, là hai yếu tố tạo nên tôn kính của người còn sống đối với tổ tiên. Nếu xem “Thờ tổ tiên hay thờ phụng tổ tiên” là nội dung của tôn kính tổ tiên, thờ được thể hiện qua nhiều khía cạnh: Thờ tổ tiên là thờ những người có quan hệ với người tôn thờ như: cụ kỵ, ông bà, bố mẹ, bên nội, bên ngoại; thờ trực tiếp, thờ gián tiếp (thờ vọng),… “Cúng tổ tiên hay lễ cúng tổ tiên” là hình thức biểu đạt của nội dung thờ cúng tổ tiên, cúng có nhiều hình thức: cúng cơm, cúng lễ vật, cúng chay, cúng mặn,…

Về thời gian và nguồn gốc, Thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ bao giờ, đã được nhiều lý giải tuy nhiên cho tới nay vẫn có những kiến giải khác nhau. Tuy nhìn nhận về thời gian hình thành thờ cúng tổ tiên của người Việt có điểm khác nhau, song đều thống nhất thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ rất sớm. Qua những câu chuyện mang tính truyền thuyết cho thấy từ thời Vua Hùng người Việt đã có tục phụng thờ tổ tiên. Nét đẹp về tôn thờ tổ tiên bắt nguồn từ tri ân và báo ân các đấng sinh thành theo quan niệm “Cây có cội nước có nguồn”. Từ thời Bắc thuộc, người Việt “tiếp nhận đạo hiếu” theo triết lý của Nho gia phương Bắc với tư tưởng người có hiếu là người biết phụng thờ tổ tiên đã mất, thì việc thờ cúng tổ tiên càng rõ nét sâu đậm hơn.

Trải qua thời gian cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc và phát triển ở nhiều phương diện của đời sống kinh tế xã hội, thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng từng bước phát triển và càng ngày càng thể hiện theo chuẩn hóa chuẩn mực đạo đức, văn hóa, trở thành hoạt động mang tính tâm linh và dần trở thành phong tục văn hóa tốt đẹp. Vậy trong thờ cúng tổ tiên của người Việt có được quy định theo chuẩn mực nào không?

Cho tới nay chưa tìm được một văn bản nào mang tính pháp lý của các nhà nước ở Việt Nam quy định chung cho xã hội về thờ cúng tổ tiên (có thờ Quốc Tổ Vua Hùng được quy định)[1]. Có chăng chỉ là những quan niệm mang tính cá nhân hoặc cá nhân đúc kết từ thực tiễn viết thành sách ( tư liệu) về phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, như vậy thờ cúng tổ tiên của người Việt là:

  • Là một phong tục tập quán có từ xa xưa.
  • Là nếp quen xưa bày nay làm truyền từ đời này sang đời khác.
  • Xưa sao, nay vậy đó là sự kế thừa mang tính tâm linh cha truyền con nối ít có cứ giải cụ thể.

Về tính linh hoạt khoan dung trong thờ cúng tổ tiên của người Việt, trong lịch sử Việt Nam, tục thờ cúng tổ tiên  hết sức linh hoạt và thể hiện tính khoan dung cao độ, từ ngàn xưa cho tới nay thờ cúng tổ tiên của người Việt là việc làm thể hiện hiếu nghĩa của người còn sống đối với tổ tiên đã khuất. Lúc thanh bình, no đủ con cháu tri ân tổ tiên chu đáo bằng tạo dựng nơi thờ phụng tổ tiên khang trang, to đẹp, cúng lễ theo truyền thống với tất cả những gì có thể, theo tinh thần, “phú quý sinh lễ nghĩa”… Trong hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh, thiên tai,.. không ít gia đình phải rời bỏ nơi sinh sống, việc “Thờ” tổ tiên  được linh động hóa, nhiều trường hợp ban thờ không thể mang mà chỉ mang theo gia phả, bát hương thờ tổ tiên, hoặc vì hoàn cảnh chỉ mang theo chân hương, mang theo nắm tro nơi bát hương đã thờ tổ tiên, thậm chí không mang theo được bất cứ đồ vật nào thì nỗi nhớ và hiếu kính với tổ tiên không gián đoạn mà còn được nhân lên qua tâm nguyện và lời thỉnh cầu tổ tiên gia hộ cho tai qua nạn khỏi để con cháu bình yên, với cầu mong đến lúc bình yên sẽ thực hiện thờ tổ tiên khang trang to đẹp hơn. Thờ trong hoàn cảnh khó khăn đã được tổ tiên khoan dung, thì “Cúng” tổ tiên lại càng thể hiện sự linh động và khoan dung hơn.

Cúng tổ tiên, với những người có điều kiện thì việc cúng đồ ăn, lễ vật quý với nhiều nghi thức không có giới hạn, theo quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng với những gia đình hoàn cảnh còn khó khăn, không có điều kiện mâm cao cỗ đầy, lễ vật nhiều, nghi thức lắm mà chỉ cần thể hiện lòng thành kính qua “biện lễ”, với “bát cơ, chén nước, cơi trầu,..” theo phong tục quê hương, thậm chí do khó khăn không đầy đủ như thế thì chén nước nén hương và trong hoàn cảnh  không thể có được chén nước nén hương nhưng tỏ lòng thành nhớ về tổ tiên, nhớ ngày mất, ngày giỗ, thể hiện lòng tôn kính tổ tiên, nói cho con cháu, người thân biết để kính trọng tri ân, nối truyền nếp nhà tốt đẹp, thì người đang còn cũng yên lòng, người đã khuất cũng phù hộ cho người biết tôn kính.

2.Vấn đề đặt ra trong thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Có nhiều vấn đề cần xem xét, tuy nhiên tại hội thảo này xin đề cập hai khía canh:

 Thứ nhất, trong “thờ” từ rất lâu cho tới nay đang diễn ra vấn đề trong đối tượng thờ với quan niệm “ngoại tộc” hay “ bên ngoại” để chỉ tới việc thờ tổ tiên có liên quan tới người phụ nữ theo quan niệm tam tòng của Nho gia xưa: “Tại gia tòng phụ; xuất giá tòng phu; phu tử tòng tử

-Tại gia tòng phụ, nghĩa là người phụ nữ chưa lấy chồng, còn ở nhà thì nghe cha, phụ thuộc vào cha, nếu không may chết khi chưa lấy chồng thì được thờ bên họ nhà cha với danh xưng “bà cô”.

-Xuất giá tòng phu, là người phụ nữ đã lấy chồng, nếu chết được thờ bên nhà chồng, thờ theo chồng.

Phu tử tòng tử, là chồng chết thì theo con, khi chết thì con (trai) thờ mẹ cùng cha.

Từ quan niệm trên cho thấy một số vấn đề đặt ra:

1)Chỉ có con trai mới thờ cúng cha mẹ của mình, con gái đi lấy chồng (xuất giá), không được thờ cúng cha mẹ đẻ của mình ở nhà chồng (không được đưa nhà ngoại về cúng ở nhà nội).

2)Có những người phụ nữ nhà con một, lấy chồng cũng chỉ sinh con gái, không may chồng ly dị lấy vợ khác. Vậy là khi chết, con rể không thờ và con gái không được thờ ở nhà chồng. Vậy những người đó ai thờ cúng? Có lý giải cho rằng người phụ nữ đó được nơi bố đẻ của họ thờ cúng (trở về làm bà cô đã có gia đình, có con); trong khi con cháu ngoại vẫn còn không được thờ cúng.

Với quan niệm và truyền thống trên để lại không ít những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Để giải quyết những bất cập nêu trên còn không ít quan điểm khác nhau: 1)Quan điểm của những người theo tư tưởng “Xưa sao nay vậy” cho rằng cần giữ nguyên nếp cũ, con dâu không được đưa bên ngoại về nhà nội để thờ cúng. 2) Quan điểm khác mang tính bình đẳng cho rằng “Tứ thân phụ mẫu” nội ngoại như nhau, thờ cúng tổ tiên là hiếu hạnh của người còn sống vậy thì bên nội hay bên ngoại đều tôn kính như nhau. Qua thờ cúng tổ tiên không phân biệt nội ngoại mà giáo dục đạo đức hiếu kính với con cháu,… Và nếu “xưa sao nay vậy” thì từ xa xưa nhất, trong chế độ mẫu hệ con cháu theo mẹ chứ đâu biết cha mà theo cha, vậy mà xã hội đã đổi từ theo mẹ (mẫu hệ) sang theo cha (phụ hệ).

Quan niệm về vấn đề này, nhà văn, dịch giả Dương Thu Ái sinh năm 1936, người  đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục quốc gia: Nhà văn có số sách đã xuất bản nhiều nhất trong một năm (gần 30 cuốn); nhà văn có số lượng sách viết và dịch nhiều nhất (245 cuốn vào năm 2016, đến nay đã gần 300 cuốn); nhà văn duy nhất viết sách bằng bút nhặt và giấy cũ. Ông cho rằng thờ cúng tổ tiên ở ta theo nếp “xưa bày nay làm”, nhiều người không muốn bỏ nếp cũ. Tuy nhiên nhiều nếp cũ tạo nên những tập quán tốt, nhưng cũng có nếp cũ lạc hậu, cần nhìn nhận ra để lược bớt cái lạc hậu cho phù hợp với cuộc sống mới tiến bộ. Việc thờ cúng tổ tiên quan niệm nội và ngoại xuất phát như đã nói “xưa bày nay làm” không mấy ai dám bài bác vì đã ăn sâu vào tâm thức xã hội. Tuy nhiên nhiều gia đình, con cháu hiếu kính ông bà cha mẹ, thờ cúng cả nội và ngoại, mà con cháu của những gia đình đó vẫn thành đạt, phát triển tốt. Đặc biệt là thời đại mới nam nữ bình quyền càng nên có nhìn nhận vấn đề thoáng hơn.[2]

Thứ hai, thờ cả nội và ngoại thì bố cục bài trí bát hương thế nào? Vấn đề này được một số bậc tu hành chia sẽ: Bát hương hay ban thờ,.. xét cho đến cùng cũng là những vật tượng trưng của người còn sống đặt ra để thực hiện lòng thành tôn kính với người đã khuất theo tinh thần “Trần sao âm vậy”, “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”, “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Nếu các “Cụ” mà ngự trên bát hương thật, vậy thì bao nhiêu bát là đủ (khó nói), nếu các “Cụ” ngự bát hương thật thì các “Cụ” không siêu sinh sao (không biết). Thờ cúng tổ tiên là một truyền thống đẹp của dân tộc Việt vì giá trị đạo đức hiếu kính trở thành Văn hóa đặc trưng của dân tộc ta. Tuy nhiên, ta có văn hóa đó, nhưng nhiều nước không có văn hóa đó thì họ sao?

Vậy thờ cúng tổ tiên là truyền thống đẹp, để làm đẹp hơn truyền thống đó ban thờ và bát hương làm sao cho tiện lợi hơn, thiết thực hơn với đời sống hiện tại, hiệu quả với giáo dục con người, chứ đừng quá sa vào hình thức và lối sống mê tín,… đó chính là điều ai hướng tới tiến bộ cũng mong muốn. Để ban thờ và bát hương thật sự đẹp cần có nhìn nhận sao cho phù hợp, hài hòa với hoàn cảnh kinh tế, môi trường sống của gia đình và cộng đồng,… Và quan trọng nhất có thể là con cháu được hiếu kính cả nội và ngoại trong không gian thờ chung, trong đó bát hương là nơi con cháu dâng hương tưởng niệm tới tổ tiên nội ngoại cùng về ngự chung một không gian (đoàn kết). Như vậy ban thờ 01 bát hương, 03 bát hương, 05 bát hương tùy theo điều kiện vật chất, không gian nơi thờ tự và quan hệ trong gia đình gia tộc con trưởng, con thứ, trưởng tộc,…

Với nhận thức của cá nhân và qua tham khảo ý kiến của một số vị thiện tri thức cùng một số nhà tu hành, xin thành tâm chia sẻ để quý vị có chung sự quan tâm rộng đường xem xét, cho ý kiến. Trân trọng những lý giải thấu tình đạt lý từ quý vị để được học hỏi thêm./.

Hà Nội ngày 01/10/ Quý Mão (2023).

—————————————————————————————————————————

[1].  Vì sao giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vào 10/3 Âm lịch ?

Lịch sử và ý nghĩa ngày giỗ Quốc Tổ đã được nhiều bài viết đề cập. Tuy nhiên Quốc giỗ lấy ngày 10/3 (AL), trước 1 ngày so với giỗ vua Hùng đời thứ 18 vị vua cuối cùng thời Hùng Vương.

Vì sao chọn ngày đó? Đã có một số giải thích nhưng chưa rõ , may mắn tôi có lần hỏi Hoà thượng Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và được Ngài giải thích. Xin nêu lại để cùng tham khảo, ai có hiểu biết và tư liệu khác, có thể bổ sung giúp cho vấn đề sáng tỏ hơn.

  1. Các vị Vua Hùng trước đời vua thứ 18, giỗ vào ngày nào đối với mỗi vị, con cháu đời sau không nhớ vì thời đó chưa có sử sách ghi chép.
  2. Nếu có biết một số vị, ngày mất của các vị cũng không trùng ngày. Đã không biết đủ thì không thể làm giỗ vị này mà bỏ giỗ vị khác và tôn giỗ vị nào là Quốc giỗ.
  3. Người Việt với tập tục Lễ giỗ ( từ bao giờ cũng không có sách ghi cụ thể) và trước ngày gỗ chính (của Người mất) 1 ngày có tục bao sái và Lễ bố cáo Tổ tiên , mời Tổ tiên, Ông, Bà,… về thụ Lễ và chứng giám cùng con cháu, Lễ đó gọi là “Lễ Tiên thường”
  4. Từ năm 1917, năm Khải Định thứ hai, lấy ngày 10/3 (AL) trước ngày giỗ Vua Hùng đời thứ 18 ( vị vua cuối cùng giỗ vào ngày 11/3 AL) làm ngày Quốc giỗ là dựa trên tập tục Lễ Tiên thường của cha ông xưa, vào thời điểm đó trong năm thời tiết đương xuân , thuận cho cho muôn dân hướng về nguồn cội.

[2] . Thưa chuyện với cụ Dương Thu Ái ngày 12/11/2023.